Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn 9 tháng vẫn tăng dù ảnh hưởng của dịch Covid-19
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, khối lượng và trị giá xuất khẩu sản phẩm từ sắn đạt 1,94 triệu tấn và 685 triệu USD, lần lượt tăng 12,1% và 1,7% so với 2019.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn 9 tháng năm 2020 tăng 12,1% |
Cụ thể, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 9 năm 2020 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 80 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,94 triệu tấn và 685 triệu USD, tăng 12,1% về khối lượng và tăng 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 352,6 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kì năm ngoái.
Xét về cơ cấu sản phẩm, trong 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu sắn lát tăng ước đạt 488 nghìn tấn, tương đương 110 triệu USD, tăng 81% về lượng và 90% về giá trị so với cùng kì năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 9 tháng ở mức 226 USD/tấn, tăng 5% so với mức giá 216 USD/tấn của cùng kì năm trước.
Về mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,45 triệu tấn với giá trị 573 triệu USD, tương đương giảm 1% về lượng và giảm 7% về giá trị so với cùng kì năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 395 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kì năm trước.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ lực của Việt Nam |
Xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong 8 tháng năm 2020. Ngoài Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia cũng là 2 tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020, với mức tăng trưởng về trị giá xuất khẩu lần lượt là 27% và 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019-2020 đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh tình trạng cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá đang diễn ra nhiều nơi. Mặc dù hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam đã chạy máy vụ sản xuất 2020- 2021, tuy nhiên sản lượng của các nhà máy vẫn rất hạn chế.
Hiện, giá cồn từ ngô và sắn tại Trung Quốc đang giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu hơn. Trong khi đó giá ngô tại nước này cũng đang trong xu hướng giảm mạnh do nguồn cung nội địa lẫn nhập khẩu dồi dào. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, điều này sẽ tác động trực tiếp lên nhập khẩu sắn của Trung Quốc.
Tại thị trường trong nước, giá giao dịch sắn lát thu mua nội địa tháng 9/2020 tại khu vực Tây Ninh/Bình Phước tiếp tục tăng do tồn kho nội địa cạn kiệt, giao động ở mức 5.500-5.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng 8/2020. Giá sắn củ tươi vụ mới năm 2020 tại Tây Ninh giao động ở mức 2.650-2.700 đồng/kg.
Theo đánh giá của một số nhà máy, mùa vụ 2020-2021 tại khu vực Tây Ninh tiếp tục gặp khó khăn về nguyên liệu do lượng sắn từ Campuchia về ít hơn và giá cao hơn năm trước.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm