Xuất khẩu phân bón trở về mốc 1 triệu tấn sau 7 năm
Với 1,163 triệu tấn phân bón xuất khẩu trong năm 2020, sau 7 năm Việt Nam mới lại trở về mốc xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón/năm.
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,163 triệu tấn phân bón, trị giá 341 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và 27,1% về giá trị so với năm 2019.
Lần gần nhất, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón là vào năm 2014 (đạt 1,059 triệu tấn).
Xuất khẩu phân bón trở về mốc 1 triệu tấn sau 7 năm |
Từ năm 2011 đến 2014, xuất khẩu phân bón Việt Nam luôn ở mức trên 1 triệu tấn. Cụ thể, năm 2011 đạt 1,073 triệu tấn; 2012 đạt 1,345 triệu tấn; 2013 đạt 1,191 triệu tấn, năm 2014 đạt 1,059 triệu tấn.
Từ số liệu trên có thể thấy, sau năm 2014, xuất khẩu phân bón của Việt Nam luôn ở dưới mức 1 triệu tấn mỗi năm. Với kết quả xuất khẩu 1,163 triệu tấn phân bón trong năm 2020, sau 7 năm Việt Nam mới lại trở về mốc xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón/năm.
Việt Nam xuất khẩu phân bón chủ yếu sang các nước ASEAN, với thị trường chủ lực là Campuchia. Năm 2020, Campuchia tiếp tục là thị trường lớn nhất của phân bón Việt Nam với 422 ngàn tấn, trị giá 131 triệu USD.
Theo kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 53 (tháng 2/2021) vừa được ban hành, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 và kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.
Do vậy, tại kỳ họp thứ 11 chưa trình Quốc hội khóa XIV xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón và phương án xử lý liên quan đến Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn để chuyển sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Trước đó, tại phiên họp thứ 53 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.
Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2020, Bộ Công Thương đã khẳng định, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VTA đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Bộ Công Thương đã đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, nếu được áp dụng thuế VAT 5%, nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ trong dài hạn, giá phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm