Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt 8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm
Đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần), Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Theo Bộ NN-PTNT, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kì năm trước.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8,0 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kì năm trước; nhập khẩu ước trên 6,2 tỷ USD, tăng 10,0%; xuất siêu gần 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kì năm trước.
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 39,5% thị phần), châu Mỹ (30,8%), châu Âu (13,9%), châu Đại Dương (1,9%), châu Phi (1,3%).
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 1,3 tỷ USD (chiếm 16,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD (chiếm 7,3%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,8% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản).
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng ước trên 6,2 tỷ USD, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 470,2 triệu USD, giảm 14,3%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 332,8 triệu USD, tăng 11,1%; nhóm lâm sản chính khoảng 466,4 triệu USD, giảm 3,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 982,6 triệu USD, tăng 2,8%.
Đứng đầu là thị trường Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 607 triệu USD, chiếm 9,7% thị phần (trong đó mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 29,1% giá trị); tiếp theo là Argentina đạt khoảng 564 triệu USD, chiếm 9,0% (mặt hàng ngô chiếm 61,6%).
Thời gian vừa qua, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản một số địa phương như Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đắk Nông... Bộ NN-PTNT đã có văn bản triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ trước tình hình dịch bệnh; tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc…; tổ chức Tuần lễ Nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương với Ấn Độ, Argentina, UAE,…
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa kí Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.
Đến năm 2050, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.