Xuất khẩu khởi sắc, giá lúa ở miền Tây tăng trở lại
Giá lúa ở ĐBSCL được dự báo có khả năng còn tăng trong thời gian tới, nhờ các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu tăng cao.
Những ngày này, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân chín vụ và một phần đông xuân muộn. Trong đó, lúa đông xuân chín vụ tại huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên… của tỉnh Sóc Trăng đang thu hoạch rộ, năng suất đạt gần 7 tấn/ha.
Nông dân thu hoạch lúa dọc theo đường tỉnh 934B, từ cầu Mạc Đĩnh Chi (TP.Sóc Trăng) đến xã Viên An, Đại Ân 2 của huyện Trần Đề cho biết, lúa đặc sản ST25 đang được bán với giá 7.800 đồng/kg. So với một tuần trước, giá lúa ST25 đã tăng thêm 300 đồng/kg.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng - Huỳnh Ngọc Nhã cho biết lúa ST25 giá 7.800 đồng/kg là mức cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Nhã, năng suất lúa vụ đông xuân dao động từ 6,2-7 tấn/ha, trừ chi phí nông dân thu lãi từ 30% trở lên.
Ngoài các loại lúa đặc sản đang tăng giá 200-350 đồng/kg, giá lúa thường là hàm trâu (OM576) cũng tăng từ 5.500 lên 5.600 đồng/kg, OM18 từ 5.600-6.000 đồng/kg (tăng 50 đồng/kg).
Chị Trịnh Thị Thu Mai (40 tuổi, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết 2 tuần trước, chị bán lúa tài nguyên chưa phơi khô với giá 6.650 đồng/kg. Hiện, lúa tài nguyên tại Bạc Liêu đã tăng lên 7.100 đồng/kg.
“Năm trước nông dân vùng này trồng lúa năng suất 9 tấn/ha. Năm nay, chuột cắn phá nhiều nên năng suất giảm còn 8 tấn/ha. Bình quân một ha lúa chúng tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng”, chị Mai chia sẻ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, xuất khẩu gạo của nước ta đã bật tăng mạnh, đạt 505.741 tấn, trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Những ngày gần đây, giá lúa gạo tăng nhẹ vì Trung Quốc đã mở cửa khẩu trở lại. Các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) khiến hạt gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn.
Nông dân trồng lúa kỳ vọng, trong những ngày tới, thị trường lúa gạo sẽ sôi động, kéo theo giá lúa tăng lên.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn. Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Hiện, nhu cầu và giá lương thực trên thế giới đang tăng, doanh nghiệp Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong dịch Covid-19, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), cho biết: "Ngay sau Tết, công ty đã xuất hàng đi 5 quốc gia. Tuy số lượng không lớn nhưng là một khởi đầu may mắn vì xuất toàn gạo thơm, gạo chất lượng cao và giá xuất từ 600 - 1.000 USD/tấn".
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động thương mại trên thế giới không thể ngưng trệ, thậm chí còn tăng mạnh hơn bởi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng để ứng phó dịch bệnh, và gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ nhiều nhất.