Xuất khẩu gạo sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh
Trong 7 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh nhất với hơn 65%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù xuất khẩu gạo cạnh tranh khá gay gắt, nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021.
Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. Như vậy, mặc dù xuất khẩu gạo cạnh tranh khá gay gắt, sản phẩm của Việt Nam vẫn ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Trong nhóm các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam thì thị trường Hoa Kỳ là quốc gia có mức tăng mạnh nhất, tăng 65,3% trong nửa đầu năm.
Tiếp đến là Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44,5% thị phần - nhập khẩu tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu năm, giá gạo xuất khẩu trên thế giới bình quân đạt 489 USD một tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 415-420 USD một tấn.
Các nhà xuất khẩu đã giảm bớt thu mua lúa của nông dân, chờ thu hoạch cao điểm và đợi tín hiệu mua từ các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc.
Hiện Việt Nam đang là nhà xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) vượt cả Thái Lan.
Trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến động. Thời tiết mưa bão khiến chất lượng lúa Hè Thu giảm liên tục, trong khi diện tích lúa chín ngày càng tăng tại các địa phương.
So với đầu tháng 7, giá các loại lúa đã giảm từ 200-400 đồng một kg do thời tiết xấu ảnh hưởng đến chất lượng lúa và nhu cầu tiêu thụ yếu.
Hoài An