0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 13/06/2022 07:30 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khởi sắc

Trong tháng 5/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở lên nghiêm trọng hơn.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây với 710.371 tấn, trị giá 347,1 triệu USD, tăng mạnh 27,8% về lượng và 25,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,5% về lượng và tăng 2,5% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022 cả nước xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, tương đương trên 1,35 tỷ USD, giá trung bình đạt 489 USD/tấn, tăng 6,6% về khối lượng, nhưng giảm 4% về kim ngạch và giảm 9,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

trong tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây
Trong tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng 5 chủ yếu là do nhu cầu từ Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta tăng tới 45,8% về lượng và 50,9% về trị giá so với tháng trước, đạt 345.944 tấn, trị giá 167,6 triệu USD.

Như vậy, sau 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Philippines đã lên đến 1,3 triệu tấn, trị giá gần 590 triệu USD, giá trung bình 464,2 USD/tấn, tăng 34,6% về lượng, tăng 17,5% về kim ngạch nhưng giảm 12,7% về giá so với 5 tháng đầu năm 2021. Hiện Philippines đang chiếm 46% tổng khối lượng và chiếm 43,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của nước ta.

Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường chính khác cũng tăng khá mạnh trong 5 tháng đầu năm như Bờ Biển Ngà tăng 37% (đạt 273.078 tấn), Malaysia tăng 19% (đạt 162.465 tấn), Mozambique tăng 47,1%…

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước trong khối EU như Italia, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha…

Đặc biệt, giống gạo đặc sản ST25 của Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ và được biết đến rộng rãi tại châu Âu. Giá gạo ST25 xuất khẩu đang có giá rất cao, ở ngưỡng trên 1.000 USD/tấn.

Ngược lại với bức tranh tươi sáng từ các thị trường kể trên, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam giảm mạnh gần 20% cả về lượng lẫn trị giá trong 5 tháng đầu năm nay, xuống còn 388.616 tấn, trị giá 203.341 tấn.

Tính riêng trong tháng 5, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm 22,6% so với tháng trước, chỉ đạt 91.675 tấn.

Trong những tháng đầu năm nay, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo tấm nhằm phục vụ nhu cầu của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu đối với gạo dành cho tiêu dùng giảm.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các doanh nghiệp, giống gạo thơm ST21 và ST24 của Việt Nam vẫn đang được Trung Quốc quan tâm và nhập khẩu nhiều (tăng từ 2-3 lần), sự sụt giảm về nhu cầu chủ yếu đến từ mặt hàng gạo nếp.

Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khởi sắc
Gạo ST24 của Việt Nam vẫn đang được Trung Quốc quan tâm và nhập khẩu nhiều

Xuất khẩu gạo hứa hẹn tiếp tục khởi sắc

Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở lên nghiêm trọng hơn.

Gạo đang là mặt hàng được săn đón trong bối cảnh giá một số loại ngũ cốc như ngô, lúa mì, đậu tương tăng cao và khan hiếm do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp hạn chế xuất khẩu của một số nhà cung cấp lớn, điển hình là Ấn Độ.

Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam dù chưa tăng mạnh như kỳ vọng nhưng cũng đang nhích dần lên, tính đến ngày 10/6 dao động quanh mức 425 USD/tấn với gạo 5% tấm, tăng nhẹ 5 USD/tấn so với một tháng trước. Mức giá này đang khá cạnh tranh so với gạo cùng loại của Thái Lan có giá lên đến 460 USD/tấn.

"Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine cũng như giá thành sản xuất nông nghiệp tăng trên toàn cầu, giá bán lương thực có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nắm xu hướng này khi đàm phán, ký hợp đồng để mang đến lợi nhuận". 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5.

Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.

Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (504, 5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Bởi thông thường mọi năm, Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo, nhưng năm nay nước này nhập khẩu sớm nên thị trường sôi động từ tháng 5.

“5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị trường lúa gạo nội địa ổn định, nhu cầu mua của các thương lái, doanh nghiệp khá đều đặn. Đây là những tín hiệu tốt cho thấy thị trường tiếp tục khởi sắc”, ông Đỗ Hà Nam đánh giá.

, các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất những dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất những dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào thị trường khó tính.

Ưu tiên sản xuất dòng gạo cao cấp

Mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, giá gạo xuất khẩu vẫn neo ở mức cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia xuất khẩu gạo trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như hiện nay, thị trường châu Phi đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ do giá tốt và chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, hiện giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 - 10.000 USD cho mỗi container 20 feet, trong khi tình trạng thiếu container rỗng vẫn xảy ra. Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.

Trước tình hình trên, để xuất khẩu gạo có chỗ đứng vững trên thị trường thế giới Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến nghị, các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất những dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, để tăng giá trị xuất khẩu gạo một cách bền vững, việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, cùng một chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể bán được với giá cao hơn 10 - 20%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức nhiều phiên tư vấn xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN, Bắc Âu, Kuwait... nhằm giải đáp và tư vấn cho doanh nghiệp quan tâm về thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu.

Dự kiến trong năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức 30 phiên tư vấn xuất khẩu tới các thị trường.

Minh Anh 

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.