0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 10/10/2020 21:37 (GMT+7)

Xây dựng thương hiệu - Yếu tố then chốt đưa doanh nghiệp hội nhập quốc tế

Ngày 9/10/2020, diễn đàn “Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Luxury Palace.

Tiếp nối thành công của năm 2019, Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp Viện Đào tạo và Phát triển Kinh tế; Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu Việt Nam tổ chức diễn đàn “Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế" lần 2, năm 2020.

Diễn đàn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các Hội viên, các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế trước bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Đồng thời, thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương tại khu vực phía Nam, cùng nhau vượt qua khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19.

Tham dự diễn đàn có sự góp mặt của hơn 150 đại biểu đến từ Hội Sáng chế Việt Nam, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý và các tổ chức cá nhân.

hinh1

GS. Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam chia sẻ: “Trong xu thế hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Do đó, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết, bởi đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả 1 quốc gia. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những đổi mới trong sản xuất, cần thực hiện trách nhiệm xã hội và cần bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ, giữ được thương hiệu. Tôi hy vọng rằng diễn đàn hôm nay sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp trên con đường hội nhập".

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về thương hiệu và cách thức xây dựng, phát triển thương hiệu, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng gốc rễ của phát triển thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên xây dựng, phát triển công ty gắn liền với thế mạnh của bản thân, lợi thế của địa phương và chủ trương; chính sách chung của đất nước. Đồng thời, cần có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có bộ phận, nhân lực chuyên trách quản lý hoạt động SHTT. Và doanh nghiệp cũng cần kiên trì trong quảng bá, truyền thông, xây dựng và phát triển thương hiệu vì "càng cũ càng có giá".

hinh5

Các diễn giả trao đổi về vấn đề Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế

Theo ông Đỗ Hữu Quang – Nguyên Phó Cục trưởng, Phụ trách khu vực phía Nam, Cục QLTT Bộ Công thương, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc bảo vệ quyền của mình. Trước hết, doanh nghiệp cần phải thực hiện quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng biện pháp này bằng nhiều cách như in tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại hay sử dụng các biện pháp kĩ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ, đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm nhằm thông báo sản phẩm, dịch vụ đó là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm.

Có thể thấy rằng, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất, doanh nghiệp nên đăng kí bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng, xây dựng và hoàn thiện chiến lược về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Bên cạch đó, doanh nghiệp cũng nên tổ chức hệ thống thông tin dữ liệu và tài liệu về sở hữu trí tuệ để có được những thông tin về các đối thủ cạnh tranh, đồng thời tránh khỏi việc xâm phạm quyền của người khác.

hinh6

Chủ trì buổi tọa đàm: Tiến sĩ Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Sáng chế Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ KH&CN 

Trước hai vấn đề trên, các đại biểu là chủ các doanh nghiệp đã có những chia sẻ về kinh nghiệm cũng như khó khăn của mình. Bà Phạm Thị Đào – TGĐ Công ty mỹ phẩm Anh Đào cho biết các sản phẩm của công ty đều được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều mỹ phẩm mang tên gọi và bao bì na ná Anh Đào. Hàng nhái không khác gì hàng giả, vì sức khỏe người dùng bị đe dọa nếu đó là sản phẩm không đạt chất lượng. 

Chính vì vậy, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ và trông chờ sự bảo hộ của luật pháp, để hạn chế ở mức thấp nhất tài sản trí tuệ bị xâm phạm, công ty của bà Đào có một hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên bảo vệ quyền SHTT.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả đã tiến hành trưng bày các sản phẩm chính hãng của mình. Đồng thời, các sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả cũng sẽ được đưa ra so sánh với hàng chính hãng để khuyến cáo đến cộng đồng, người tiêu dùng, giúp tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn sao chép, làm giả tinh vi của cảc đối tượng vi phạm.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng thương hiệu - Yếu tố then chốt đưa doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới