Website quảng cáo TPBVSK Hyra gan có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra gan trên website có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, thời gian gần đây trên website http://www.gankhoesonglau.online có quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra gan vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sản phẩm này được Công ty CP Quốc tế Dream life Việt Nam (địa chỉ: số 109 + 2, Ngõ 167 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm và Công ty TNHH Thương Mại AHO (Địa chỉ tại ô đất A9 - Lô 188 Khu tái định cư X3, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) quảng cáo và phân phối sản phẩm.
Xuất hiện website quảng cáo TPBVSK Hyra gan có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng |
Cục An toàn thực phẩm cho biết, đã mời Công ty TNHH Thương Mại AHO lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra gan đang quảng cáo trên website http://www.gankhoesonglau.online không phải do Công ty TNHH Thương Mại AHO thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng, và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hyra gan trên website/internet nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn người tiêu dùng cần: Lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm ); Mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội hoặc được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm chữa được bệnh, khỏi bệnh hoặc các hình thức tương tự, đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm