0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 05/01/2022 06:42 (GMT+7)

Đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm làm nóng nghị trường Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường. Việc đấu giá đất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 là không phù hợp, giá không thực.

Chiều 4/1 vừa qua, thảo luận tại tổ Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

tm-img-alt
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp ở tổ chiều 4/1. 

Đối với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. 

"Vì nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", ông Phớc nói.

Về hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. "Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần", ông nhận xét.

Đồng thời, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính với trách nhiệm của mình sẽ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.

Nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng phát biểu, việc đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Hiện Quốc hội và Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường hay không.

tm-img-alt
Các lô đất được đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Sưu tầm

Theo hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trong nghiên cứu xu thế trả giá của đa số các doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy, mức phù hợp để triển khai dự án chỉ gấp 2-4 lần khởi điểm. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia cũng không kịp trả giá lần này. Trong khi đó, các công ty trúng thầu đấu giá chỉ là doanh nghiệp tầm trung hoặc mới thành lập được một vài năm, thậm chí vừa mới lập.

Kết quả đấu giá đất tại Thủ Thiêm có độ vênh rất cao (3,9-8,3 lần) từ mức khởi điểm đến mức đấu giá thành công. Theo HoREA, diễn biến này bộc lộ nhiều bất cập của các phương pháp xác định giá đất để định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm, hoặc để tính tiền sử dụng đất theo quy định, có nhiều kẽ hở trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

tm-img-alt
Đấu giá đất ở Thủ Thiêm quá cao gây áp lực cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp. Ảnh: Sưu tầm

Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua. Các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Công điện cũng nêu rõ trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Ngày 10/12/2021, TP HCM đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000 m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá 37.350 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao kỷ lục tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Cụ thể, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty cổ phần Sheen Mega, Công ty CP Dream Republic và Công ty TNHH thương mại Bình Minh.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng khu đất có diện tích hơn 10.000 m2 ở khu đô thị Thủ Thiêm, tạo ra kỷ lục mới với mức giá 2,4 tỉ đồng/m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm.

Bạn đang đọc bài viết Đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm làm nóng nghị trường Quốc hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023