0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 25/02/2022 09:17 (GMT+7)

Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA

Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vaccine quy mô lớn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố thêm 5 nước gồm Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA, theo sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA.

tm-img-alt
Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.

Bày tỏ niềm vui mừng và cảm ơn WHO về việc Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ mRNA, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Điều này cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực".

Ngày 18/2, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên minh Châu Phi, Tổng Giám đốc WHO đã thông báo 6 nước đầu tiên đều ở châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia được thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA từ Trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của WHO đặt tại Cape Town (Nam Phi), nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mặt khác cho biết, một trung tâm mới được thành lập ở Hàn Quốc - được phát triển bởi WHO và các đối tác ở Nam Phi, sẽ là nơi các nhà khoa học tái tạo vaccine Covid-19 bằng công nghệ mRNA, mà không cần thông qua sự giúp đỡ của Moderna. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ là nơi chia sẻ công nghệ mRNA đến thế giới.

Đây là lần đầu tiên WHO hỗ trợ những nỗ lực phi chính thống như vậy để nghiên cứu và chế tạo một loại vaccine được bán trên thị trường, nhằm chấm dứt tình trạng ngành công nghiệp dược phẩm vốn chủ yếu ưu tiên cung cấp cho các nước giàu hơn là các nước nghèo cả về kinh doanh và sản xuất.

Cả Moderna và Pfizer-BioNTech, nhà sản xuất hai loại vaccine mRNA Covid-19 được ủy quyền, đều từ chối chia sẻ công thức vaccine và bí quyết công nghệ của họ với WHO và các đối tác của tổ chức này.

WHO cho biết công nghệ này nếu được tái tạo thành công sẽ không chỉ tạo ra vaccine Covid-19 mà còn hữu ích trong việc nghiên cứu kháng thể, insulin và phương pháp điều trị các bệnh bao gồm sốt rét và ung thư.

Cho đến nay, sự chênh lệch toàn cầu về khả năng tiếp cận với vaccine Covid-19 là rất lớn. Châu Phi hiện chỉ sản xuất 1% lượng vaccine Covid-19 trên thế giới và chỉ khoảng 11% dân số đã được tiêm phòng. Ngược lại, hầu hết các quốc gia châu Âu đã có trung bình 84% dân số được tiêm phòng đầy đủ và hơn 59% người dân cũng đã được tiêm phòng nhắc lại.

Trong khi đó, Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA do WHO thành lập tại Cape Town (Nam Phi) vào tháng 6/2021, đang cố gắng tái tạo vaccine mRNA của Moderna và cho biết họ đã chế tạo thành công một loại vaccine ứng cử viên. Họ sẽ sớm bắt đầu giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Theo các nhà khoa học, vaccine Covid-19 của Moderna được cho là dễ sản xuất hơn một chút so với loại vaccine do Pfizer-BioNTech nghiên cứu.

WHO tái khẳng định nỗ lực hỗ trợ các nước quan tâm đến trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine mRNA, trước mắt tập trung ưu tiên những nước thu nhập thấp và trung bình không có công nghệ mRNA nhưng có cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất sinh phẩm.

Bên cạnh đó, tổ chức này cũng sẽ thảo luận với các nước khác muốn tham gia và sẽ công bố thêm các nước tiếp nhận công nghệ mRNA trong những tháng tới. Các nước tiếp nhận sẽ được WHO hỗ trợ xây dựng kế hoạch, cung cấp đào tạo, tập huấn chuyên môn dự kiến từ tháng 3/2022.

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới