Việt Nam có “kho báu” đất hiếm đứng thứ 2 thế giới khiến nhiều quốc gia khao khát
Giữa bối cảnh nguồn cung hạn chế, việc có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam. Tới đây ta dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm/năm.
Phá vỡ thế độc tôn
TV màn hình phẳng, iPhone 13 hay tua bin gió đều là một trong những thiết bị sử dụng đất hiếm để sản xuất. Ngày nay, đất hiếm - nguyên tố gần cuối bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trở thành nguyên liệt không thể thiếu trong sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng. Đặc biệt với ngành công nghiệp xe điện lại càng cần thiết.
Các nhà chuyên môn thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết đất hiếm gồm 17 nguyên tố, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, radar, tên lửa… 17 nguyên tố đều là những nguyên tố dạng hiếm và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 87,7 triệu tấn. Nếu nhu cầu hằng năm chỉ cần 125.000 tấn thì 700 năm nữa mới cạn kiệt loại khoáng sản này.
Đất hiếm trở nên quan trọng trong quá trình chuyển đổi toàn cầu theo hướng xanh và bền vững hơn, được ví von như “vàng” của thế kỷ 21 thậm chí là thế kỷ 22. Đến năm 2025, thị trường nguyên liệu này có thể cán mốc 14,4 tỷ USD, hiện nay đang là 8,1 tỷ USD. Bởi vậy những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn lọt vào tầm ngắm của các công ty công nghệ lớn trên thế giới.
Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 44 triệu tấn, sản lượng khai thác hàng năm là 140.000 tấn. Trữ lượng chiếm 37% thế giới, 70% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên vị trí “độc tôn” này có thể bị thay thế vì nhu cầu nhập khẩu đất hiếm tại Trung Quốc đang tăng gấp đôi, quốc gia này còn phải mua thêm từ bên ngoài. Lúc này các quốc gia xếp sau được chú ý nhiều hơn.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Việt Nam đứng hai thế giới về trữ lượng đất hiếm, khoảng 22 triệu tấn, đứng sau Trung Quốc. Xếp sau là Brazil 21 triệu tấn, Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn). Không ngoa khi nói ta đang nắm giữ trong tay cả một “kho báu”, nhờ thế mà vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngày một tăng.
Ông Đỗ Cao Bảo, một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT từng chia sẻ với báo chí giá đất hiếm từ mức 14.000 USD/tấn tăng lên 110.000 USD/tấn (Neodymium oxide 66.000 USD/tấn, Oxit Dysposi 274.000 USD/tấn). Mức giá này đã cao gấp 10 lần so với trước đây.
Nếu làm bài toán đơn giản ta có thể thấy đất hiếm ở nước ta có giá trị cao hẳn, nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ, có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, chúng ta đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) với trữ lượng lớn, có hàm lượng tổng REO trong quặng nguyên khai từ 0,5 đến trên 10%.
Ngoài ra, ta còn có các mỏ đất hiếm dạng hấp thụ ion ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Mỏ đất hiếm cũng được tìm thấy ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Kon Tum, Nghệ An, Lâm Đồng. Một số quặng đất hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh - Vũng Tàu.
Lai Châu có trữ lượng đất hiếm lớn, tỉnh đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm với tổng diện tích 2.779,4ha, trong đó có mỏ Đông Pao được coi là mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước. Hiện nay, ở Việt Nam có 2 mỏ đất hiếm được cấp phép khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái). Tuy nhiên, nhưng qua 10 năm 2 mỏ này vẫn nằm ám binh bất động.
Dự tính khai thác 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 866 phê duyệt "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 trong đó nói rõ Việt Nam dự kiến sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Qua đó thể hiện rõ Chính phủ đã xác định công nghiệp khai khoáng, bao gồm đất hiếm phải được ưu tiên phát triển, đưa ra các biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đến năm 2030, hoàn thành đề án thăm dò và cấp giấy phép khai thác tại các mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe. Đồng thời thăm dò, mở rộng nâng cấp giấy phép tại Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái.
Theo Quyết định trên, đối với đất hiếm, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.
Chính phủ lưu ý với khoáng sản có trữ lượng lớn, quan trọng các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác phải có năng lực đồng thời đầu tư vào các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại đồng thời bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững.
Sự tham gia của các nước lớn
Trước sự mở cửa của Việt Nam, nhiều quốc gia bắt đầu chuyển dịch nguồn cung đất hiếm về nước ta. Điều này thể hiện rõ qua các thỏa thuận và ghi nhớ mà ta đã ký.
Viện Công nghệ Xạ hiếm Việt Nam và Công ty đất hiếm CAVICO Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển nhà máy chế biến sâu đất hiếm Scandium. Năm 2022, Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE, trụ sở tại tỉnh Hà Nam) cũng ký hợp đồng xuất khẩu 1.000 – 2.000 tấn đất hiếm hàng năm trị giá 50 triệu USD sang Hàn Quốc.
Năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh giá khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia và chỉ ra rằng “sự phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất nguyên liệu thô và nam châm từ đất hiếm là một lỗ hổng chiến lược”. Gần đây một số quốc gia cũng đến Việt nam để tìm kiếm nguồn cung mới.
Các công ty Trung Quốc chế biến sản phẩm từ đất hiếm đã có mặt tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận và kế hoạch hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ ta trong việc định lượng nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm.
Đầu tháng 12/2022, Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc về việc hợp tác thăm dò và phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, bao gồm đất hiếm tại Việt Nam. Các công ty Australia xem xét đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở Việt Nam. Đáng chú chú giữa tháng 12/2022, Công ty Khoáng sản Chiến lược Úc và Công ty CP Đất hiếm Việt Nam ký thỏa thuận cung cấp dài hạn quặng đất hiếm.
Tham gia “cuộc đua” này còn có Canada. Cụ thể nước này đã thúc đẩy hợp tác với Việt Quan qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cũng trong tháng 12/2022, phái đoàn tỉnh Saskatchewan do Canada cử sang đã thảo luận và mở rộng hợp tác.
Dẫn lời hãng tin Sputnik, đối tác nước ngoài nhận định việc hợp tác với Việt Nam là “may mắn rất lớn”. Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn bên ngoài Trung Quốc trong cuộc đua đất hiếm, đồng thời là một trong những thị trường năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm không hề nhỏ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức vì hiện nay các mỏ đất hiếm chưa được khai thác hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường từng trả lời báo chí cho biết muốn xuất khẩu đất hiếm, các doanh nghiệp khai thác đất phải trải qua quá trình làm giàu các khoáng chất bên trong các quặng đất hiếm để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Không những thế việc khai thác cũng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của khách hàng.
Theo PGS muốn khai thác và xuất khẩu đất hiếm việc cần làm đầu tiên là đảm bảo nguồn ra. Nếu làm được điều này, vị thế của Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ thay đổi.
Phạm Thu