0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 02/06/2023 09:08 (GMT+7)

Vì sao vẫn nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Nhiều ĐBQH tán thành sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu bởi Quỹ vẫn giúp cơ quan điều hành bình ổn giá cả hàng hóa, duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô.

Quỹ vẫn là cơ sở để bình ổn giá

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bảo đảm vận hành thị trường xăng, dầu theo cơ chế thị trường. Bởi thực tế, đây là Quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng, dầu người dân mua.

Hiểu một cách đơn giản, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu tại Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền trước để được bình ổn giá cho mình. Chẳng hạn, khi giá xăng, dầu xuống thấp, đáng lẽ giá bán là 10 đồng thì người dân phải mua 13 đồng do 3 đồng được trích vào Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Vì sao vẫn nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu? - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại hội trường ngày 1/6.

Ngược lại, khi giá xăng, dầu tăng cao thì sử dụng 3 đồng từ Quỹ này để giảm giá bán lẻ, song thực tế vẫn là lấy tiền của dân. Như vậy có thể hiểu, giá xăng, dầu tăng hay giảm không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường mà phụ thuộc một phần vào ý chí của nhà điều hành. Đây cũng là cách để góp phần giúp cơ quan điều hành bình ổn giá cả hàng hóa, duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều ĐBQH cũng tán thành việc nên giữ Quỹ

Trước đó, thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu bởi Quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng, dầu trong nước. Đây là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vì Quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

“Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là chưa phù hợp bởi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường; quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (hiện là 10 ngày); lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng,” ông Lê Quang Mạnh cho hay.

Vì sao vẫn nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu? - Ảnh 2
Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn nên giữ. (Ảnh minh hoạ)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thực tế cho thấy, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu.

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, quan điểm của tôi nên và cần giữ Quỹ này. Quan trọng là tạo công tác quản lý và hoạt động của Quỹ sao cho kịp thời vì hiện nay giá xăng dầu vẫn rất nhiều biến động, tác động tới toàn bộ nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Còn theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm, việc thiết lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nguyên tắc là lập Quỹ bình ổn giá với bất kỳ mặt hàng nào cũng phải đảm bảo một số tiêu chí, nguyên tắc: công khai, minh bạch, hiệu quả, điều tiết để đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, xã hội. Sự quản lý phải thực sự công khai, minh bạch, không được lợi dụng sang mục tiêu khác.

Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian vừa rồi hoạt động trên cơ sở nền tảng nghị định, lần này Dự án Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục tạo cơ sở pháp lý để Quỹ tồn tại. Việc bình ổn giá là mục tiêu của rất nhiều nền kinh tế trong cơ chế thị trường, vì trong cơ chế thị trường giá hình thành trên cơ sở quan hệ cung-cầu nhưng trong một số điều kiện mà quan hệ cung - cầu này không đầy đủ, đảm bảo thì nhà nước phải can thiệp (chẳng hạn như yếu tố độc quyền, thiên tai địch họa) và muốn can thiệp thì phải có công cụ. Có rất nhiều công cụ, trong đó Quỹ bình ổn giá chỉ là một trong số các công cụ mà Luật Giá đưa ra.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, việc đưa quy định duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là trao cho Chính phủ, còn sử dụng công cụ đó vào thời điểm nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, phương thức ra sao... thì thuộc toàn quyền Chính phủ. Trong thời gian vừa rồi Chính phủ sử dụng Quỹ bình ổn còn một số hạn chế. Theo dư luận phản ánh chứ chưa có cuộc kiểm tra, kết luận nào thì việc sử dụng Quỹ bình ổn giá còn thiếu công khai minh bạch, một vài doanh nghiệp lợi dụng sử dụng không đúng mục đích.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, thời gian tới nếu còn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì phải giải quyết những vấn đề đó. Luật chỉ đưa ra công cụ để công cụ được tồn tại, Chính phủ có nhiều công cụ để quản lý, điều tiết giá. Mỗi công cụ chỉ có hiệu quả tác động trong bối cảnh, trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn như Quỹ bình ổn giá chỉ có tác dụng điều tiết trong một biến động giá ở mức độ hợp lý nào đấy. Phạm vi vừa phải thì sửa dụng công cụ Quỹ bình ổn giá có hiệu quả, nhưng khi biến động giá quá lớn như thực tế giá xăng dầu ở thị trường 2 năm vừa qua lên quá cao thì Quỹ này hoàn toàn bị triệt tiêu tác động, phải sử dụng công cụ khác đồng bộ như điều hành bằng giảm thuế, trợ cấp...

"Các công cụ tuỳ điều kiện, tuỳ bối cảnh sử dụng chứ không phải giá lên xuống mà điều chỉnh thuế được. Thuế không thể điều chỉnh một sớm một chiều, nên lúc đó điều chỉnh linh hoạt từng ngày, từng tuần phải là công cụ này. Nếu điều chỉnh lên quá cao để giải quyết được thì công cụ phải mạnh hơn. Vì thế, phải trao cho Chính phủ đồng bộ các công cụ để xử lý được trong mọi tình huống, mọi vấn đề"- đại biểu Lâm nêu.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Vì sao vẫn nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới