Vì sao Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy phải mua lại trái phiếu trước hạn?
Ngân hàng TMCP Á Châu (HM:ACB) đã công bố nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021. Theo đó, 4 lô trái phiếu được mua lại là ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012.
Mua lại theo yêu cầu của trái chủ
Ngân hàng (ACB) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc mua lại trái phiếu trước hạn phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021. Cụ thể, ngân hàng sẽ mua lại các mã trái phiếu lần lượt là ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH212001 và ACBH2124012.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Tổng mệnh giá tối đa mua lại là 10.000 tỷ đồng.
Thời gian mua lại bốn lô trái phiếu trên vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7 với giá mua thực tế bằng mệnh giá phát hành.
Nhà băng này cho biết nguồn vốn mua lại là nguồn thu từ các khoản cho vay bằng VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay, đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.
Sau nghị quyết mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu trên, ACB vừa công bố thông tin riêng về lô trái phiếu mã ACBH2124005 và ACBH2124006.
Theo đó, ACB cho biết ngân hàng mua lại trước hạn theo yêu cầu của trái chủ. Giá mua lại 2 lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm này đều là 2.500 tỷ đồng/lô, với giá mua lại bằng giá phát hành.
Lãnh đạo ACB nói gì về đầu tư trái phiếu?
Thông tin về kết kết quả kinh doanh tính đến hết quý I/2023 và kế hoạch kinh doanh 2023 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 13/4, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho biết: "Bước sang năm 2023, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý I của ACB rất khả quan, khi lợi nhuận hợp nhất đạt 5.120 tỷ đồng, đạt 26% so với kế hoạch cả năm nay."
Về đầu tư trái phiếu, ông Từ Tiến Phát cho biết: Căn cứ vào báo cáo kiểm toán năm 2022, có phần vốn đầu tư vào trái phiếu thì có tới 85% là trái phiếu Chính phủ, 15% còn lại là trái phiếu của các tổ chức tín dụng lớn của Việt Nam.
"Chiến lược kinh doanh năm 2023, chúng tôi cũng tiếp tục nhấn mạnh lại một lần nữa là không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ngoại trừ trái phiếu của các tổ chức tín dụng" - ông Phát nhấn mạnh.
Ông Từ Tiến Phát cho biết, tỉ lệ nợ xấu trong quý I có những bước chuyển không khả quan do nhiều yếu tố tác động. Do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lãi suất cao dẫn đến các khoản vay có xu hướng chuyển nợ xấu.
"Thực tế cho thấy tỉ lệ nợ xấu tại ACB vào cuối năm ngoái là 0,74%, sang đến hết quý I nhích lên 0,84%, tức là tăng 0,1%. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ quyết liệt trong vấn đề xử lý nợ xấu để luôn nằm dưới 1%", ông Phát nói.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, ông Phát cho biết, tỉ lệ cho vay bất động sản tại ACB là 24% trong đó có tới 82% là cho vay người mua nhà để ở, phần còn lại là cho vay đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản. Riêng đối với tín dụng đầu tư bất động sản thì dư nợ tại ACB chỉ có dưới 1% và đây là một tỉ lệ rất thấp.
Anh Thư