0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 25/06/2022 16:30 (GMT+7)

Vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?

Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo và cần phải sử dụng tiết kiệm, vì vậy xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo thông lệ quốc tế.

Quy định phù hợp với thông lệ quốc tế

Bộ Tài chính vừa có ý kiến về việc không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng trong bối cảnh giá nhiên liệu này liên tiếp lập kỷ lục. Theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với xăng là 10%, xăng E5 RON 92 là 8% và xăng E10 là 7%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia...) ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf).

Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu? - Ảnh 1
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài Chính cũng dẫn chứng, kinh nghiệm quốc tế, hầu hết nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, ví dụ Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Hà Lan (0,81314 EUR/lít); Italy (0,7284 EUR/lít); Anh (0,5795 Bảng/lít); Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%); Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít); Campuchia (thuế suất 25%); Singapore (0,41 Đô la Singapore/lít); Lào (thuế suất 39%)…

Nếu so sánh, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.

Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm bình quân khoảng 110 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 7 tháng cuối năm ước khoảng 9.614 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.

Còn nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm bình quân khoảng 120 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 7 tháng cuối năm ước khoảng 10.488 tỷ đồng (bình quân 1.498 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm dự kiến khoảng 16.991 tỷ đồng.

Bộ Tài chính thông tin thêm, tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.

Vì vậy, trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện điều chỉnh giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Đà tăng sẽ chưa thể dừng

Trong công bố mới nhất về giá xăng, Bộ Công thương cho biết giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng mạnh trở lại. Trước đó, giá xăng nhập chỉ còn 151 USD/thùng thì hiện nay đã tăng mạnh lên 155,26-160,86 USD/thùng.

Cần lưu ý vào kỳ điều chỉnh xăng vừa qua (21-6), giá xăng nhập cũng leo lên đỉnh điểm là 160,37 USD/thùng. Do đó, với mức giá trên rất khó cho giá xăng trong nước có đợt điều chỉnh giảm.

Giá dầu thô toàn cầu hiện nay đang có xu hướng giảm nhẹ. Theo đó, giá dầu đang dao động từ 105-111 USD/thùng. Nguyên nhân, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp.

Việc Fed tăng mạnh lãi suất cũng đẩy các ngân hàng trung ương thế giới có giải pháp tương tự để chống lạm phát. Điều này tác động rất mạnh đến tiêu thụ xăng dầu.

Ngoài ra, giá dầu giảm nhờ vào việc OPEC đã cam kết tăng sản lượng lên 648.000 thùng dầu so với kế hoạch trước đó là 432.000 thùng. Kế hoạch này sẽ được kéo dài cho đến tháng 9 và đáp ứng được thêm 7% nhu cầu dầu thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay giảm thuế xăng dầu. Theo đó, cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách từ 2-3 tháng để giảm giá nhiên liệu.

"Dư địa giảm thuế chúng ta vẫn còn nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác. Không nên giảm "nhỏ giọt" như thời gian vừa qua hoặc đề xuất mới đây của Bộ Tài chính" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng trong bối cảnh cấp bách hiện nay, chưa phải là lúc bàn đến tính hợp lý hay không hợp lý của sắc thuế này mà trước mắt cần tạm ngừng thu. Ông Lạng lưu ý nếu Việt Nam tạm ngừng thu các loại thuế, sẽ kéo giảm giá xăng dầu xuống, có thể xảy ra tình trạng buôn lậu. Về lâu dài, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới