Về quê ăn tết: Người dân đắn đo, lãnh đạo địa phương gửi "thư ngỏ"
Hầu hết các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ các nơi về quê đón Tết nhưng khuyến cáo chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Khuyến cáo chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch
Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh này không hạn chế việc người dân trở về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An quy định người dân khi về quê nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) hoặc khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, người đến/về từ các tỉnh, thành có số ca mắc Covid-19 cao như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… và các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc đã khỏi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng (tính đến thời điểm về) thì sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên đến Quảng Ngãi; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương.
Trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc-xin (thẻ vàng trên sổ sức khỏe điện tử) sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Những người chưa tiêm vắc-xin sẽ xét nghiệm RT-PCR 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 khi về địa phương, cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.
Đối với người về từ các tỉnh, thành có nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp, đã tiêm đủ liều vắc-xin, tiêm chưa đủ hoặc đã khỏi mắc Covid-19 không quá 6 tháng sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, hạn chế tiếp xúc cộng đồng…
Những trường hợp F1, F2 đã tiêm đủ vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ sẽ phải cách ly y tế tại nhà từ 7-14 ngày (tùy trường hợp tiêm đủ hay chưa), xét nghiệm RT-PCR từ 2-3 lần (nếu đã tiêm đủ vắc-xin sẽ xét nghiệm 2 lần, tiêm chưa đủ thì xét nghiệm 3 lần). Với trường hợp đặc thù, người nhập cảnh trực tiếp vào Quảng Ngãi sẽ thực hiện theo Công văn 10688/BYT và Quyết định 4158/QĐ-BYT của Bộ Y tế…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cũng đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định; tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, vui xuân đón Tết, kỷ niệm ngày truyền thống; sinh hoạt tôn giáo; đám cưới, gặp mặt, mừng thọ, đám tang…
Theo ông Lê Trí Thanh, dịp Tết bà con về quê là bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao trong dịp Tết nếu không kiểm soát tốt, nên tỉnh Quảng Nam khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế về quê nếu không thật sự cần thiết. Điều này vừa chủ động trong phòng chống dịch vừa tạo yên tâm cho bà con đón Tết yên vui.
Ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết công dân về Lâm Đồng ăn Tết, kể cả khách du lịch, đều được qua lại tự do nhưng phải thực hiện theo đúng quy định phòng chống dịch. Người địa phương buộc phải khai báo y tế tại địa phương sinh sống, du khách khai báo y tế tại nơi cư trú. Tỉnh Bình Thuận cũng cho biết tình hình tương tự.
Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa vừa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.
Nội dung thư ngỏ nêu, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp.
Trước tình hình trên, TP Thanh Hóa kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, công tác xa quê biết được tình hình và tạm thời không trở về quê nếu không cần thiết, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Người lao động vẫn đắn đo về quê ăn Tết
Nhiều lao động tại Đà Nẵng còn đắn đo về quê ăn Tết khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, kinh tế khó khăn.
Trao đổi trên Báo Người Lao động chị Đinh Mỹ Hậu (31 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình)cho biết, sau nhiều ngày suy nghĩ chị quyết định năm nay không về quê ăn Tết.
Là công nhân tại HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), chị Hậu cho biết, môi trường làm việc khép kín, mỗi ngày tiếp xúc nhiều người, chị lo ngại tình trạng dịch bệnh khi về quê, lo sợ có thể lây cho người nhà.
Tết này, chị Hậu ở lại thành phố, đăng ký tăng ca dịp Tết để tăng thêm thu nhập. Chồng, con chị sẽ về quê sớm. Đây cũng là năm thứ 3 chị không thể về quê đón Tết. Chị chia sẻ: Dù rất buồn nhưng phải đặt an toàn lên hàng đầu.
Tương tự, chưa đầy 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán nhưng gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến (quê tỉnh Nghệ An) đang bỏ ngỏ kế hoạch về quê đón Tết vì lo ngại dịch bệnh. Cả 2 vợ chồng anh đều thuộc tuyến đầu chống dịch, chồng là nhà báo, vợ là điều dưỡng tại một bệnh viện tư nhân, anh Tiến cho hay, đặc thù môi trường làm việc nguy cơ cao nên vợ chồng anh rất đắn đo khi về quê đợt này.
Theo anh Tiến, mặc dù hai vợ chồng thường xuyên được xét nghiệm và tiêm đủ mũi vắc xin nhưng cũng rất e ngại khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.