VDSC: Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến không tăng trong năm 2021
Năm 2021 sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến không tăng trưởng trong khi giá bán sẽ giảm do cạnh tranh nên kim ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm trong năm nay.
Năm 2020, cả nước sản xuất được 27,1 triệu tấn gạo, giảm 1,9% so với năm 2019. Trong đó, có 20,85 triệu tấn được tiêu thụ nội địa và dự trữ quốc gia.
Cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt nam đạt 3,12 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2019. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình đạt 499 USD/tấn (tăng 13,4%) và sản lượng đạt 6,25 triệu tấn (giảm 1,9%).
Cạnh tranh gia tăng, cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định năm 2021 sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến không tăng trưởng trong khi giá bán sẽ giảm do cạnh tranh nên kim ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm trong năm nay.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn xuất hiện tại thị trường ngách – xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU, Anh và Hàn Quốc, sẽ tạo động lực tăng trưởng cho các công ty xuất khẩu gạo chuyên nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), Công ty CP Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) và Công ty lương thực miền Nam (Mã: NSC) từ năm 2021.
Cụ thể, VDSC dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng sau một năm thất thu do ảnh hưởng của hạn hán và hạn mặn, sản lượng gạo của Thái Lan dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021, nhờ đó sản lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ (YoY).
Ngành gạo Ấn Độ cũng được dự báo tiếp tục có một năm bội thu khi tổng sản lượng đạt 120 triệu tấn, tăng 1,3% YoY nhưng sản lượng xuất khẩu sẽ vào khoảng 14 triệu tấn, giảm 2,8% YoY, và giảm nhẹ so với mức kỷ lục của năm 2020.
"Sản lượng dồi dào nên dự kiến giá gạo Ấn Độ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 1% YoY, lên mức 6,3 triệu tấn trong tổng sản lượng sản xuất khoảng 27,1 triệu tấn (không thay đổi so với cùng kỳ)", USDA dự báo.
Đáng chú ý, áp lực cạnh tranh trong năm 2021 là rất lớn khi Thái Lan chính thức quay trở lại “cuộc đua” và Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quen thuộc của Việt Nam như Tây Phi, Singapore và Malaysia.
VDSC dự kiến giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt sẽ giảm |
Trong khi đó, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 1% so với năm 2020, lên mức 6,3 triệu tấn trong tổng sản lượng sản xuất khoảng 27,1 triệu tấn, không thay đổi so với cùng kỳ.
Do đó, để tăng tính cạnh tranh, VDSC dự kiến giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt sẽ giảm, đặc biệt khi sắp sửa vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên nguồn cung sẽ dồi dào hơn.
VDSC ước tính, năm 2021, sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang ba khu vực gồm Châu Âu, Anh và Hàn Quốc sẽ đạt khoảng 90.000 tấn, tăng 254% so với năm 2020, tương đương 1-2 lần sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của các đơn vị sản xuất gạo “chuyên nghiệp" như LTG, TAR và NSC...
Tiềm năng tăng trưởng dồi dào nhờ các chính sách
Cũng theo VDSC nông nghiệp chất lượng cao đang có tiềm năng tăng trưởng dồi dào nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ.
Cụ thể, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 nhằm giảm dần về số lượng nhưng tăng dần về giá trị; tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ không vượt quá 20% (đến năm 2020) và 10% (đến năm 2030) trong tổng lượng gạo xuất khẩu.
Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu Việt Nam phấn đấu đạt 20% (đến năm 2020) và 50% (đến năm 2030) trong tổng sản lượng xuất khẩu.
Diện tích nông nghiệp hữu cơ tăng nhanh (CAGR 29%/năm) từ mức 6.500 ha của năm 2005 lên 237.000 ha năm 2019 (chiếm 2,1% tổng diện tích đất nông nghiệp).
Chính phủ đặt mục tiêu tăng diện tích nông nghiệp hữu cơ lên 408.000 - 544.000 ha vào năm 2025 và đạt 680.000 - 816.000 ha vào năm 2030 nhằm bổ sung nguồn cung nông sản sạch.
"Sản xuất gạo hữu cơ cho lợi nhuận cao hơn gạo thông thường nhờ tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp và chi phí cải tạo đất, đồng thời giá bán cũng cao hơn. Lợi nhuận có thể tăng trưởng từ mức 20 triệu đồng/ha lên 40 triệu đồng/ha khi chuyển sang trồng gạo hữu cơ", VDSC nhận định.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm