Vàng PNJ bất ngờ giảm giá, báo lãi khủng trong quý I/2022
Mới đây, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố lợi nhuận quý 1/2022. Đáng chú ý tất cả chỉ số đều tăng mạnh hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu tháng kinh doanh hiệu quả nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp.
Giá vàng PNJ trong nước biến động khá trái chiều. Trong khi giá vàng thế giới giữ quanh mức 1.900 USD/ ounce trước bất ổn địa chính trị leo thang, vàng PNJ cùng SJC, DOJI, lại tăng “phi mã” trong những ngày qua.
Sau khi tăng mạnh 250.000 đồng vào ngày trước, đến rạng sáng ngày 23/2 vàng PNJ lại tiếp tục tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều đưa giá vàng mua vào và bán ra lần lượt lên mức 54,1 triệu đồng/ lượng và 54,9 triệu đồng/ lượng.
Tuy nhiên vào rạng sáng nay 24/2, vàng PNJ lại bất ngờ giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, đưa giá quay lại mốc cũ, bán ra là 54 triệu đồng/ lượng và mua vào 54,8 triệu đồng/ lượng.
Đáng chú ý, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh tháng đầu tiên của năm 2022 với khoản doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục.
Cụ thể, trong tháng 1, nhà sản xuất và kinh doanh vàng trang sức lớn nhất thị trường phía Nam này ghi nhận 3.476 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tăng này tương đương với việc doanh số bán vàng của PNJ đã tăng hơn 1.300 tỷ đồng trong tháng vừa qua.
Với khoản doanh thu tăng mạnh này, lợi nhuận gộp tháng 1 của PNJ cũng tăng tương ứng, đạt 649 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong tháng, nhà kim hoàn TP.HCM này thu về 270 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 61%. Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất mà công ty ghi nhận được trong 1 tháng kinh doanh.
Mức lãi ròng này đã tăng hơn 100 tỷ so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn gần 80 tỷ đồng so với tháng 12/2021.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo, đa số doanh thu thuần tăng trưởng mạnh trong tháng vừa qua đến từ kênh bán lẻ, diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, nhờ đẩy mạnh chiến dịch Xuân 2022 sớm hơn mọi năm, trong khi các hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi nổi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022, doanh thu bán lẻ tháng 1 của doanh nghiệp đã tăng gần 80% so với cùng kỳ và cao hơn 25% so với tháng trước.
Dù tổng chi phí hoạt động trong tháng 1 của nhà kim hoàn này tăng gần 59% so với cùng kỳ và 25% so với tháng trước, khoản doanh thu tăng mạnh kể trên là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận ròng PNJ cao đột biến.
Tính đến cuối tháng 1, PNJ đang quản lý và vận hành 338 cửa hàng bán lẻ vàng, bạc và các loại trang sức khác. Trong đó, số cửa hàng kinh doanh vàng chiếm chủ yếu với 319 điểm bán.
Liên quan tới hoạt động của công ty, HĐQT PNJ mới đây đã thông qua phương án phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương tỷ lệ 6,6% để tăng vốn. Trong đó, công ty dự kiến phát hành 7,35 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương gần một nửa tổng số cổ phiếu phát hành thêm đợt này.
Giá phát hành sẽ là 95.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến mang về cho PNJ khoảng 1.425 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 2.276 tỷ lên 2.426 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu PNJ được giao dịch ở mức 109.600 đồng/đơn vị (cuối ngày 23/2). Như vậy, mức giá chào bán kể trên rẻ hơn 13% so với giá thị trường của cổ phiếu PNJ.