0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 10/05/2022 10:10 (GMT+7)

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện giảm thuế VAT

Sau 3 tháng nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực, các doanh nghiệp phan phiền vì vướng không ít khó khăn trong việc thực hiện.

Sau 3 tháng nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực, các doanh nghiệp phan phiền vì vướng không ít khó khăn trong việc thực hiện.

Với mục đích giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng; qua đó, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) phục hồi và phát triển, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (gọi tắt NĐ 15) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, được kỳ vọng là một chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022.

Doanh nghiệp "than phiền" vì cách tính thuế

Ông Trần Hải Châu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kiến trúc Hải Đô Thành cho biết, mới đây Nhà nước có chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng, sản xuất. Thế nhưng, nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng với khoảng 80% mặt hàng có thuế suất 10% như sắt, thép, tôn, hoá chất, sơn…

Trong khi đó, đặc thù của ngành xây dựng có giá trị đầu vào, đầu ra cao, và công trình xây dựng đầu ra áp dụng thuế VAT 8%, trong khi đầu mua vào lại áp thuế 10% và thanh toán cho nhà cung cấp với thuế suất 10% đó.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp khai và đóng thuế VAT vãng lai 2% được cộng vào thuế VAT được trừ. Trước đây, nếu liên tục 3 tháng có số thuế VAT được trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp được hoàn thuế. Còn hiện tại, doanh nghiệp không được hoàn thuế mà phải nộp thuế VAT vãng lai 2%.

“Coi như chúng tôi chịu thiệt mất 2% từ chính sách giảm thuế VAT, rồi cộng thêm việc nộp thuế VAT vãng lai 2%. Trước tình hình thực tế như vậy, doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn”, ông Châu than thở.

Tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp với Cục Thuế TP HCM mới đây, ông Châu kiến nghị nếu không cho công ty hoàn thuế thì miễn nộp thuế vãng lai cho doanh nghiệp và ngược lại.

Bên cạnh đó, nếu đã kích cầu thì nên đồng bộ, không thể nào đầu vào áp thuế VAT 10% mà đầu ra lại là 8%. Điều này buộc doanh nghiệp phải chịu đựng mức chênh lệch 2% về mặt thuế suất làm cho tình hình tài chính trở nên nan giải.

Xoay quanh vấn đề nêu trên, phía Cục Thuế TP HCM cho biết, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP chỉ áp dụng trong vòng 11 tháng của năm 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng. Khi ban hành nghị định này sẽ khó tránh phát sinh một số trường hợp thuế suất đầu ra sẽ thấp hơn đầu vào.

Tuy nhiên, đối với những công ty xây dựng, thông thường giá trị nhận thầu thi công lúc nào cũng lớn hơn giá trị đầu vào. Cho nên, nếu như phản ánh của doanh nghiệp nêu trên là thật thì có thể rơi vào trường hợp giá thầu thi công của công ty thấp hơn giá trị đầu vào, từ đó phát sinh tình trạng còn thuế được khấu trừ.

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện giảm thuế VAT - Ảnh 1
Chính sách giảm thuế VAT đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng.

Theo phản ánh của bà Thái Thị Mai - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vật tư Công nghiệp Thuận Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM) về thuế suất VAT, doanh nghiệp đang vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Trước khi có Nghị định 15 quy định về giảm thuế VAT thì doanh nghiệp vẫn phát hành hóa đơn theo thuế suất VAT thông thường là 10% với những hợp đồng hiện hữu và xuất hóa đơn không thay đổi.

Tuy nhiên, khi Nghị định 15 có hiệu lực thì doanh nghiệp lại gặp khó khăn vì không có quy định cụ thể thuế suất 8% được áp dụng theo ngày xuất hóa đơn phát sinh nghĩa vụ thuế hay theo ngày hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa.

Trong Nghị định 15 thực ra chỉ quy định giảm thuế VAT từ ngày 1/2 đến 31/12/2022 cho các doanh nghiệp có hàng hóa kinh doanh đủ điều kiện giảm. Điều này khiến cho doanh nghiệp và các khách hàng lúng túng trong việc xử lý, ghi nhận hóa đơn đã phát hành. “Đó là lý do dẫn đến việc chậm trễ thanh toán công nợ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nhất là khi các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu rõ những quy định trong Nghị định 15”- bà Mai nói.

Không chỉ ở hai doanh nghiệp nêu trên, qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn còn khá lúng túng về chính sách giảm thuế VAT trong Nghị định 15 sau 3 tháng có hiệu lực. Chẳng hạn, với một số doanh nghiệp chuyên sản xuất dây cáp điện và cáp đồng trục, hạt nhựa PVC, sản phẩm của nhựa PVC… đến nay vẫn chưa có hướng xử lý những hóa đơn đã xuất theo thuế suất đã giảm (đối với những trường hợp mà mặt hàng của công ty không được giảm).

Hay như có doanh nghiệp khi nhập khẩu mặt hàng caffeine (một chất đắng xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực vật) và cho rằng sản phẩm này không thuộc diện giảm thuế VAT vì khi khai báo hải quan đã xếp mặt hàng này vào ngành sản phẩm hoá chất hữu cơ. Cho nên phía doanh nghiệp bán ra với mức thuế suất VAT 10%.

Thế nhưng, phía khách hàng lại không chấp nhận mức thuế suất này. Họ cho rằng sản phẩm hóa chất là tên chung cho ngành sản phẩm cấp 2 và bên dưới có chi tiết ngành sản phẩm cấp 7. Vì thế, toàn bộ sản phẩm này thuộc diện giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%.

Bộ Tài chính lên tiếng

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất bỏ quy định tách riêng hóa đơn mới được giảm thuế VAT theo Nghị định số 15 đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau, trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế VAT được giảm từng loại...

Trong năm 2022, hàng loạt hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp phải lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm VAT.

Chẳng hạn, cùng một đơn hàng, doanh nghiệp phải chia 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Theo đó, cùng một khách hàng, thay vì lập một hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau như 5%, 8%, 10%, doanh nghiệp phải lập hóa đơn ghi thuế suất 8% riêng. Hàng loạt doanh nghiệp than phiền quy định này khiến doanh nghiệp tăng thêm chi phí.

Trao đổi về vấn đề này, ngày 29/4, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

“Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT thì không được giảm thuế VAT”, Nghị định số 15 nêu rõ.

Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ có nhiều thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó, có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế.

“Việc lập hóa đơn riêng là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, tuy nhiên lại làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày”, Bộ Tài chính nhìn nhận.

Thời điểm ban hành Nghị định, cơ quan soạn thảo lo ngại rằng trường hợp nếu doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước bất cập trên, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 được gộp vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn. Hiện hồ sơ đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện giảm thuế VAT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới