Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank bất ngờ giảm mạnh, báo lãi lớn
Sacombank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận 9 tháng tăng hơn 36%, số dư nợ xấu giảm mạnh, các khoản lãi phải thu cũng giảm quá nửa so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận tăng trưởng gần 86% so với cùng kỳ năm 2021 mang về hơn 1.532 tỷ đồng trước thuế.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, tăng 36,6% so với 9 tháng đầu năm 2021. Thực hiện 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.
Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của Sacombank đạt hơn 18.300 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 17,3% đạt 11.104 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ là điểm sáng khi tăng tới 82,3% so với cùng kỳ, đạt 4.309 tỷ đồng. Theo đó, hoạt động dịch vụ đang có tỷ trọng đóng góp tới 23,5% trong tổng thu nhập hoạt động của Sacombank.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng khả quan, có lãi 759 tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 2.126 tỷ đồng, tăng tới 271%, được thúc đẩy bởi hoạt động xử lý nợ xấu.
Chi phí hoạt động trong 9 tháng của Sacombank ở mức 8.318 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập) được cải thiện, giảm từ 56,8% xuống còn 45,4%. Sacombank trích 5.550 tỷ đồng cho cho phí dự phòng rủi ro, tăng 130% so với cùng kỳ.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản đạt 564.193 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,5% đạt 420.748 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 7,1% đạt 457.890 tỷ đồng.
Sau ba quý đầu năm, giá trị các khoản lãi, phí phải thu của Sacombank tiếp tục giảm mạnh hơn 57% về 4.241 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 33,7% còn 3.791 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Dương Công Minh -Chủ tịch Sacombank, cho biết: Ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ. Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa.
Từ năm 2017 đến năm 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47 %.
Ngân hàng Sacombank điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động ở một loat kỳ hạn
Trong thông báo mới nhất, Sacombank đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ chiều 25/10, trong đó ghi nhận mức tăng mạnh ở một loạt kỳ hạn với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Cụ thể, với các khoản tiền gửi tiết kiệm tại quầy, nhà băng này tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1-4,6%/năm trước đó lên 5,6-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4-1,5 điểm %.
Các mức lãi suất này được điều chỉnh tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông báo nâng loạt lãi suất điều hành từ ngày 25/10, trong đó có tăng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Nếu gửi tiền qua kênh trực tuyến, khách hàng gửi tiền tại Sacombank với các kỳ hạn 1-5 tháng đều sẽ được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn từ 6 - 11 tháng cũng được điều chỉnh tăng mạnh so với biểu lãi suất trước đó và cao hơn khoảng 0,5%/năm so với hình thức tiết kiệm truyền thống. Cụ thể từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm với kênh quầy.
Đặc biệt, nếu gửi qua kênh trực tuyến, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 7,65%/năm với kỳ hạn 9 tháng và 7,75%/năm với kỳ hạn 11 tháng, đều tăng 1,2-1,5 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy và trực tuyến Sacombank đưa ra là 7,3%/năm và 7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức 6,5%/năm và 6,9%/năm trong biểu lãi suất cũ.
Hải Anh