Trước 20/3, hoàn thiện quy trình điện tử sẽ chính thức bỏ xuất trình sổ hộ khẩu, tạm trú giấy
Chính phủ đề nghị khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy... hoàn thành trước ngày 20/3/2023.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 1472/VPCP-KSTT ngày 9/3/2023 về việc công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi các Thông tư, Quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú (phải chứng minh thông tin nơi cư trú trước khi xác nhận) khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu khác, thực hiện đúng các quy định tại Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
Ngoài ra, các bộ, ngành hoàn thành việc công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú theo quy định tại Luật cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 15/3/2022 (phụ lục 267 thủ tục hành chính tại tệp đính kèm) làm cơ sở cho các địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Căn cứ trên cơ sở công bố của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú (kể cả trường hợp chứng minh nơi cư trú trước khi xác nhận giấy tờ như: Sơ yếu lý lịch, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,…) theo Luật cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/3/2023.
Trước đó, từ ngày 1/1/2023, sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy chính thức bãi bỏ trong tất cả những giao dịch thủ tục hành chính tại Việt Nam. Đây là cột mốc lịch sử với công tác quản lý hành chính trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam.
Theo đó, với CCCD gắn chíp được tích hợp, lượng giấy tờ người dân phải mang theo người được giảm bớt đáng kể mà vẫn chứng minh được nơi cư trú mỗi khi cần. Đồng thời, CCCD gắn chíp còn tích hợp luôn thẻ rút tiền ngân hàng mang đến tiện ích lớn hơn cho người dân và gia tăng tính bảo mật.
Trước đó, khi chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 nhấn mạnh, việc hoàn thiện pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của Đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/01/2023 là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2022.
Bàn về mã số định danh cá nhân, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý cho rằng: Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử… là quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Việc bỏ sổ Hộ khẩu góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân.
“Hiện tại là kỷ nguyên số, tất cả dữ liệu cần số hóa là hợp với thời đại. Nhiều nước phát triển cũng đã có cách làm tương tự, số hóa để quản lý dữ liệu người dân và đã thành công. Đối với người dân, hiện tại họ làm việc, cư trú ở nhiều nơi. Nếu cần xác nhận việc gì liên quan đến cá nhân cũng phải về nơi đăng ký thường trú thì rất mất công, ví dụ xác nhận độc thân, xác nhân lý lịch tư pháp, xác nhận tạm vắng...” – Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.
Lan Anh