0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 05/01/2023 08:44 (GMT+7)

Sử dụng 7 phương thức thông tin thay sổ hộ khẩu

Ngay sau khi Sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023, người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Bộ Công an tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ngày 13/1/2020, Quốc hội ban hành Luật Cư trú; Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021. Tại Khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú quy định: "Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022".

Bộ Công an cho hay, ngay sau khi Sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023, người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Sử dụng 7 phương thức thông tin thay sổ hộ khẩu - Ảnh 1
Ngay sau khi Sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023, người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. (Ảnh minh họa)

Theo quy định của luật Cư trú, cơ quan chức năng có 7 phương thức để khai thác thông tin của công dân sau khi hộ khẩu hết giá trị, bao gồm việc xuất trình thẻ CCCD gắn chip, tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú…

1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp: Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ CCCD.

3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD: Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu kết hợp sản xuất. Hiện công an cấp huyện đã được trang cấp và đang sử dụng.

4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự…

5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg, ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an): Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân, để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú). Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân...

7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA, ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện cấp Thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người dân chưa được cấp CCCD trên toàn quốc để người dân sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân…

Trước đó, khi chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 nhấn mạnh, việc hoàn thiện pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của Đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/01/2023 là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2022.

Khi công dân xuất trình thẻ CCCD, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng 7 phương thức thông tin thay sổ hộ khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.