Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm xuất nhập khẩu với Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng khá so với cùng kỳ 2019 ở mức 22,1%, thì chiều ngược lại nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này giảm 1,6%.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất khi chiếm thị phần 28,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong khi đó, ở lĩnh vực xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với thị phần 15,7% tổng kim ngạch của cả nước (sau thị trường Mỹ với thị phần 24,9%).
Nhờ sự tăng trưởng cao của xuất khẩu nên thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc cũng được giảm xuống mức 9,68 tỷ USD so với con số hơn 12 tỷ USD của 4 tháng đầu năm 2019 (giảm gần 2,7 tỷ USD).
Sự áp đảo về nhập khẩu từ Trung Quốc thể hiện rõ trong những mặt hàng lớn nhất của Việt Nam, trong đó nhiều nhóm hàng quốc gia này là thị trường số 1.
Điển hình như máy móc thiết bị với trị giá là 4,54 tỷ USD, tăng 4,4%; hay nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy) với kim ngạch 3,11 tỷ USD dù giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm đến 45% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước trong cùng thời điểm…
Với nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 (sau Hàn Quốc) với kim ngạch 3,9 tỷ USD, giảm 1%.
Trong khi đó, hết 4 tháng đầu năm, nước ta có 2 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 3,42 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang quốc gia này trong những tháng đầu năm.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp để khơi thông xuất khẩu, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc, song song với đó là tìm thị trường thay thế để đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, tới nay hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ và đi vào hoạt động thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ luôn chủ động, bám sát tình hình và nghiên cứu, đánh giá, xây dựng các kịch bản tác động của dịch Covid-19 cùng các biện pháp phòng chống lây lan bệnh dịch của Chính phủ Trung Quốc đối với quan hệ thương mại Việt – Trung để có thông tin kịp thời về tình hình và đánh giá khả năng tác động đến thương mại, kinh tế của Trung Quốc và quan hệ thương mại Việt - Trung.
Riêng với nông sản, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận, hạn chế tối đa rủi ro trong xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm