0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 15/04/2022 13:25 (GMT+7)

Trung Nam Group 'gánh nợ' hàng chục nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu

Khi nhìn vào “khối nợ” của Tập đoàn Trung Nam, dư luận không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của dòng vốn đầu tư, khi DN phải gồng mình gánh chi phí lãi suất cao sau khi phát hành trái phiếu huy động.

Năng lượng tái tạo là năng lượng hữu ích được thu thập từ các tài nguyên thiên nhiên tái tạo, được bổ sung một cách tự nhiên theo chu kỳ thời gian của con người. Năng lượng đó bao gồm các nguồn trung hòa cacbon như ánh sáng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Năng lượng tái tạo hoàn toàn trái ngược với nhiên liệu hóa thạch, đang được sử dụng nhanh hơn nhiều so với nguồn năng lượng khác.

Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo, còn gọi là lượng xanh, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (như than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững (như gió, mặt trời, nước, sinh khối, hydro, nhiên liệu sinh học…).

Mặc dù năng lượng tái tạo đang là xu hướng, song do cơ chế giá chưa rõ ràng, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo tín dụng, trái phiếu năng lượng rơi vào vết xe đổ như tín dụng giao thông. Vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã tham gia cho vay các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tín dụng xanh. Tuy nhiên, do quy mô các dự án lớn, vòng đời dự án lên tới 15-20 năm, trong khi nguồn vốn trung, dài hạn của ngân hàng có hạn, nên việc “giảm tải” tín dụng, khiến chủ đầu tư phải gọi vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Bởi vậy, cũng có ý kiến lo ngại các doanh nghiệp ngành năng lượng đang dùng công cụ lãi suất cao đối với trái phiếu doanh nghiệp để làm “mồi nhử” huy động vốn và che đậy năng lực tài chính thực sự của mình. Điều này dẫn đến nguồn vốn nhà đầu tư bỏ ra có nguy cơ phó thác vào sự may rủi của doanh nghiệp. Thực tế, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, lại thiếu vắng các công cụ đánh giá mức độ rủi ro.

Thực trạng trên dẫn đến hệ quả tiềm ẩn rủi ro cho cả 2 phía. Về phía doanh nghiệp năng lượng, việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao như trên khó có thể tối ưu được chi phí vốn (vì đầu tư dự án năng lượng tái tạo cần thời gian dài hạn, cơ chế về giá vẫn chưa rõ ràng nên rủi ro cao).

Về phía nhà đầu tư cũng loay hoay trong “ma trận” khi thiếu công cụ thẩm định. Trong khi ngân hàng thẩm định rất kỹ các dự án năng lượng tái tạo, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu nhìn vào lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, sẽ không biết được trái phiếu nào an toàn và thu được lợi nhuận.

"Người mở lối" thị trường trái phiếu năng lượng...

Cách đây 2 - 3 năm, trái phiếu năng lượng nổi lên như một điểm nhấn của thị trường trái phiếu, đây được coi là trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư hơn hẳn so với trái phiếu bất động sản. Đơn giản vì loại trái phiếu này được Chính phủ cho cơ chế chính sách ưu đãi; các doanh nghiệp vốn lớn tham gia và nhu cầu thị trường cao.

Theo báo cáo của SSI Research, bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 cho thấy, ngành năng lượng và khoáng sản đứng top 3 trên cả thị trường. Trong đó, Trung Nam Group nổi lên làm một hiện tượng đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Để phục vụ tham vọng làm “ông trùm” trong ngành năng lượng tái tạo và đầu tư, phát triển loạt dự án điện mặt trời, điện gió, các dự án bất động sản… tập đoàn này đã nhận nhiều dự án lớn trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với đó Trung Nam Group đã huy động vốn từ nhiều kênh khiến khối nợ của doanh nghiệp ngày càng tăng cao.

Trung Nam Group 'gánh nợ' hàng chục nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu
Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam tại Đắk Lắk của Trung Nam Group. (Ảnh: trungnamgroup.com.vn/)

Kể từ sau khi “lấn sân” sang mảng năng lượng, Trung Nam Group không chỉ vay ngân hàng mà còn phải huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu. Chỉ tính trong 2 năm 2020 và 2021, tập đoàn này đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng từ trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 - 6 tháng/lần. Có thể nhìn thấy cứ sau 6 tháng số tiền lãi đặt trên vai Trung Nam group vào khoảng hơn 1000 tỷ đồng và đến khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính khoảng 3 năm thì khối nợ này đã lên tới gần 30.000 tỷ đồng.

Ngày 15/2/2022, Trung Nam Group đã hợp tác với Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) để tìm kiếm nguồn tài chính triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Trước đó 1 tháng, tập đoàn cũng ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với 1 ngân hàng, cũng được biết ngân hàng này đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án.

Vào tháng 6/2021, nhà băng này hỗ trợ Trung Nam Group phát hành trái phiếu, đồng thời là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo và quản lý các tài khoản cho khoản phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5.106 ngày của Công ty CP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thành viên của Trung Nam Group). Ngoài ra, còn thu xếp vốn cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam công suất 450MW tại Ninh Thuận, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 công suất 100MW tại Trà Vinh của Trung Nam Group.

Còn theo công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Trung Nam Group hiện là nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường. Theo phương án tài chính của dự án, Trung Nam Group sẽ hoàn trả các khoản vay từ tổ chức tín dụng để đầu tư bằng doanh thu bán điện từ nhà máy điện mặt trời 450MW (là nguồn thu duy nhất).

Thực tế đây lại là một công ty đa ngành, ngoài năng lượng tái tạo, Trung Nam Group còn là nhà phát triển, đầu tư bất động sản, xây dựng…Nên nói là trái phiếu năng lượng nhưng thực tế dòng tiền đi đến đâu chỉ có lãnh đạo Trung Nam mới biết!

...dẫn lối dòng tiền về dự án không đạt kỳ vọng?

Trung Nam Group 'gánh nợ' hàng chục nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu
Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group.

Mới đây phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo dừng khai thác phần công suất không được hưởng ưu đãi giá FIT của 3 nhà máy điện thuộc sở hữu của Trung Nam Group trong đó bao gồm cả 450MW.

Phía Trung Nam cho rằng, dù thời gian qua dự án đạt hiệu suất cao với sản lượng điện phát lên lưới lớn nhưng doanh thu không bảo đảm trang trải cho nguồn thanh toán khoản vay do không được hưởng ưu đãi giá FIT nên chưa xác định giá bán điện cho phần công suất ngoài quy mô tích lũy 2.000MW.

Sau đó EVN đã quyết định tiếp tục khai thác phần công suất nói trên do Trung Nam cho rằng, công ty đang gánh khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng và không đảm bảo nguồn thu cho lao động.

Nhìn vào các chỉ tiêu tài chính của Trung Nam Group trong những năm gần đây có thể thấy doanh nghiệp này doanh thu hàng chục nghìn tỷ, nhưng lợi nhuận mang về là không nhiều. Năm 2020, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu tăng vọt 58% so với cùng kỳ lên 10.285 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần chỉ ở mức 133 tỷ đồng, nhích nhẹ 7% so với năm 2019. Như vậy, cứ 100 đồng doanh thu, tập đoàn này chỉ thu lời vỏn vẹn hơn 1 đồng.

Đáng chú ý, doanh thu tăng mạnh nhưng quy mô tài sản của Trung Nam Group đã bị thu hẹp đáng kể từ mức 33.728 tỷ đồng cuối năm 2019 xuống mức 21.486 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Chi phí nợ vay riêng khoản trái phiếu và ngân hàng với những khoản nhìn thấy được đã lên tới nhiều tỷ đồng tiền lãi mỗi năm. Riêng Năm 2021, nhóm Trung Nam Group huy động 9.500 tỷ đồng trái phiếu, hầu hết các lô trái phiếu đều có kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/lần, lãi suất 9,5 - 11%/năm. Như vậy, chỉ riêng số lượng trái phiếu huy động trong năm 2021, mỗi lần trả lãi của Trung Nam Group sẽ rơi vào khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, Trung Nam Group đã thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng trong đó có cổ phần của các công ty điện mặt trời, điện gió được thế chấp tại Ngân hàng Quân Đội (MB). Hay các quyền và lợi ích từ dự án chống ngập tại TP.HCM được thế chấp tại BIDV. Ước tính tổng số lãi vay Trung Nam Group phải trả trong 3 năm từ 2016 đến 2018 khoảng 450 tỷ đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng thế chấp loạt tài sản cho gồm: Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán điện của Dự án Nhà máy Điện Gió Ea Nam giữa Công Ty Cổ Phần Điện Gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN); quyền được nhận số tiền bảo hiểm từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm của Dự Án Nhà máy Điện gió Ea Nam; quyền quyền khai thác, quản lý Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam…

Trong giai đoạn trước năm 2020, kết quả kinh doanh của Trung Nam Land ở mức khá khiêm tốn khi doanh thu vài trăm tỷ đồng, lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Hay, Trung Nam Đà Lạt Land chủ đầu tư dự án Golf Valley gần 20 ha kinh doanh bất động sản cao cấp ghi nhận trong giai đoạn 2017 – 2018 với tổng doanh thu gần 1.060 tỷ đồng, lãi ròng 151 tỷ đồng.

Tiến Phòng

Bạn đang đọc bài viết Trung Nam Group 'gánh nợ' hàng chục nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.