Trung bình 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau mỗi tháng
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm cả nước có 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, trong tháng 5, cả nước có hơn 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 103,7 nghìn tỷ đồng, giảm 24,2% về số doanh nghiệp, giảm 32,9% về vốn đăng ký so với tháng 4/2023.
So với cùng kỳ năm trước, con số này giảm 9,5% về số doanh nghiệp, giảm 17,5% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,6 tỷ đồng, giảm 11,5% so với tháng trước và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,1% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng năm 2023, cả nước có hơn 61,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 568,7 nghìn tỷ đồng, giảm 1,6% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 5/2023, cả nước có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; 25,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%.
Như vậy, 5 tháng đầu năm cả nước có 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trước đó, Thủ tướng vừa ký Công điện 470/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có Hiệp định FTA với Israel và các hiệp định với những đối tác khác (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam - nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.
Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế gia tăng gia tăng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân trước ngày 28/5. Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm những loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa.
Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế gia tăng gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, chứng khoán…; áp dụng từ ngày 1/7 đến hết năm 2023.
Ngoài ra, một số ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc giảm thuế gia tăng gia tăng trong 6 tháng cuối năm nay là chưa đủ để chính sách phát huy tác dụng; đề nghị kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế gia tăng gia tăng so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian cho chính sách phát huy hiệu quả.
Lan Anh