Trần giá vé máy bay có thể tăng từ giữa năm nay
Dự kiến, từ quý II hoặc III năm nay, điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó chặng trên 1.000 km tăng hơn 6%.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - chủ trì cuộc họp điều hành giá quý I/2022. Trước diễn biến giá cả các tháng đầu năm, Bộ Tài chính đánh giá sẽ có áp lực tăng giá trong tháng 4 và quý II. Vì vậy cần có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như giá vật liệu xây dựng, xăng dầu, giá các mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh giá...
Theo Bộ Giao thông Vận tải dự kiến từ quý II hoặc III năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó chặng trên 1.000 km tăng hơn 6%.
Thông tin này được đề cập trong báo cáo điều hành giá quý I/2023 của Bộ Tài chính. Theo báo cáo này, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến quý II hoặc III năm nay điều chỉnh khung giá dịch hàng không tăng trung bình 3,75% so với hiện tại.
Trong đó, nhóm đường bay từ 1.280 km trở lên tăng mạnh nhất, tăng 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Mức tăng 6,25% và 6,67% sẽ tác động đến các đường bay như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Phú Quốc. Trần với nhóm đường bay dưới 500 km như TP.HCM - Đà Lạt, Hà Nội - Vinh giữ nguyên.
Theo Bộ Tài chính tính toán, việc tăng trần giá vé máy bay, có thể khiến CPI năm nay tăng thêm 0,07 điểm phần trăm.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, thông thường chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Tuy nhiên, tại tháng 11/2022, cùng với biến động tỷ giá VND/USD, chi phí nhiên liệu của các hãng tăng hơn 80% so với tháng 9/2015 góp lần làm tổng chi phí của doanh nghiệp tăng thêm gần 33,5%.
Các mức giá trần vé máy bay thời gian qua được thực hiện theo Thông tư 53 ban hành năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Lần gần nhất khung trần này được điều chỉnh tăng là năm 2015.
Tại một hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không cuối tháng trước, đại diện các hãng bay như Vietnam Airlines, Bamboo Airways đều đề nghị nên nới trần, trong khi chờ sửa luật để bỏ quy định khung giá vé nội địa, nhằm đảm bảo ngành hàng không phát triển bền vững lâu dài.
Các hãng lý giải việc nới trần sẽ giúp các hãng có thể tự cân đối, bù đắp mọi chi phí đầu vào ngày càng tăng, cũng như lấy giai đoạn cao điểm bù thấp điểm, nâng cao chất lượng phục vụ.
Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cũng đề xuất nhà nước vẫn quản lý giá trần với các đường bay chỉ có một hãng khai thác, còn đường bay có từ hai hãng cùng khai thác trở lên thì để thị trường tự điều tiết. Một số chuyên gia cũng cho rằng việc tồn tại khung giá trần là một sự vô lý, kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không.
Trước đó, năm 2021, Cục Hàng không cũng từng đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.
Giá vé tăng mạnh dịp 30/4 - 1/5
Hiện nay, hàng không đang bước vào mùa cao điểm hè 2023, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các hãng hàng không đang bắt đầu lên kế hoạch tăng các chuyến bay phục vụ nhu cầu của hành khách.
Khảo sát trên trang bán vé của các hãng bay trong nước cho thấy, ngày 24/3, giá vé máy bay một số chặng từ Hà Nội và TP.HCM đến các điểm du lịch nổi tiếng đang tăng mạnh, khá đắt đỏ. Thậm chí, một số chặng bay đã hết chỗ giờ đẹp.
Cụ thể, với hãng hàng không Vietjet Air, chuyến bay từ Hà Nội/TP.HCM đi Đà Nẵng trong ngày 28/4 chưa biến động, nhưng sang ngày 29/4, các chuyến bay từ sáng đến 18 giờ cùng ngày đã hết chỗ. Các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng hết chỗ trên một số chuyến bay buổi sáng.
Bamboo Airways chỉ có các chuyến bay tầm 5 giờ sáng là giá thấp, còn chiều về ngày 3/5 cũng hết chỗ trên các khung giờ đẹp.
Đáng chú ý, giá vé đắt nhất là các chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, dao động trung bình lên tới 7,5-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, chiều đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang hiển thị giá vé hạng thương gia lên tới 13,2 triệu đồng, đắt hơn cả đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2023 khi vé từ TP.HCM ra Hà Nội trên 10 triệu đồng/chặng.
Tư Hạ