TP.HCM: Sẽ siết chặt giãn cách hơn nữa nếu người dân ồ ạt ra đường
Trước tình trạng người dân ra đường nhiều hơn trong những ngày gần đây, UBND TP.HCM sẽ cân nhắc siết chặt giãn cách xã hội.
Không quyết liệt khó giữ vững được thành quả
Những ngày gần đây, nhiều tờ báo trong nước phản ánh tình trạng, nhiều đường phố tại TP.HCM đông đúc trở lại dù địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM.
Nói về vấn đề này tại buổi làm việc tại làm việc với cơ quan ban ngành quận Phú Nhuận ngày 13/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, giãn cách xã hội không nghiêm thì thành quả mà Thành phố đạt được trong những ngày qua có nguy cơ bị "phá vỡ".
"Thời gian đầu người dân chấp hành tốt nhưng nhưng ngày gần đây người dân có hiện tượng ra đường quá đông, nếu không khéo tôi sẽ yêu cầu siết lại... Mình không quyết liệt thì dịch sẽ càng phát triển, ảnh hưởng đến tính mạng người dân", ông Phong nói.
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống, dịch Covid-19 trên địa bàn diễn ra vào sáng ngày 13/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài.
Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số ca tử vong vẫn ở mức cao. Dự kiến, sau ngày 15/8, các ca F0 vẫn ở mức trung bình khoảng 3.000 ca/ngày, là số lượng rất lớn.
Nếu không quyết liệt, triệt để các biện pháp chống dịch thì sẽ khó giữ vững thành quả đang đạt được, thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu không đồng lòng, thực hiện nghiêm các biện pháp.
Về giải pháp nhằm giảm phát sinh F0 mới, ông Đức nhấn mạnh, mấu chốt vẫn là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “nhà cách ly nhà, người cách ly người”, đặc biệt trong khu phong tỏa. Kết hợp với việc bóc tách F0 nhanh, đẩy mạnh công tác xét nghiệm, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo khoa học, không lãng phí tài nguyên và nguồn lực. Nếu giảm 50% F0 tại khu phong tỏa thì sẽ giảm đc cả ngàn ca mỗi ngày.
Đồng thời, triển khai tốt hơn nữa mô hình tự quản vùng xanh, nâng cao vai trò ý thức cá nhân để mở rộng vùng xanh, đưa vùng xanh trở về trạng thái “bình thường mới”.
Thực hiện chiến lược 2 trụ cột
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong 30 ngày sắp tới, Thành phố sẽ tăng cường các biện pháp để sàng lọc, đánh giá tình hình từng địa bàn cụ thể để xây dựng “vùng xanh”, cô lập “vùng đỏ”, từ đó áp dụng biện pháp phù hợp với mỗi địa bàn, không để lây lan; Tinh thần vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác sàng lọc cần rất thận trọng để đánh giá đúng mức độ và thực trạng dịch bệnh nhằm điều chỉnh chiến lược tùy từng cấp độ diễn biến dịch.
Toàn hệ thống chính trị và người dân cùng nỗ lực, quyết liệt, đồng bộ để đến ngày 15/9, TP.HCM có thể khống chế dịch bệnh và sau đó là khoảng thời gian kiểm soát để giảm dịch.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột.
Thứ nhất, chiến lược điều trị F0 tại nhà và cộng đồng với mục tiêu để kéo giảm ca diễn tiến nặng, tử vong, bao gồm: Rà soát, cập nhật và nắm chắc danh sách F0 điều trị tại nhà; Mỗi F0 phải được 1 cán bộ y tế, 1 tư vấn viên thăm hỏi, theo dõi và tư vấn sức khỏe hàng ngày.
Sau khi xác định F0, bệnh nhân sẽ có túi thuốc điều trị theo chỉ định của Bộ Y tế; Phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng; Hệ thống hóa toàn bộ việc ứng dụng công nghệ và kết nối các tầng điều trị.
Thứ hai, chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện theo hệ thống 5 tầng, mấu chốt được xác định là oxy và thuốc (theo chỉ định của Bộ Y tế).
Nguyễn Thu