TP.HCM ghi nhận di chứng tim - phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh lý hậu Covid-19 như mệt mỏi, di chứng phổi - tim mạch, rối loạn tâm thần…
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 8/1, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết trong năm 2022, ngành y tế tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng là phòng chống dịch Covid-19; không làm gián đoạn công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Ngoài ra, theo thống kê, hiện TP.HCM đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải di chứng sau khi mắc Covid-19. Cụ thể, theo ông Tăng Chí Thượng, biểu hiện của những người này khá đa dạng, như mệt mỏi, di chứng phổi - tim mạch, rối loạn tâm thần, sức khỏe giảm…
Ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh sự nguy hiểm cũng như thể hiện quyết tâm của Sở y tế TP.HCM: "Đây là vấn đề đặc biệt cần quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022. Ngành y tế đang cùng các chuyên gia xây dựng kế hoạch can thiệp với mục tiêu, giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên".
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. TP HCM cũng không ngoại lệ dù số ca mắc, số chuyển nặng và tử vong giảm sâu bởi các chủng virus mới nguy hiểm hơn có thể xuất hiện, làm cho dịch diễn biến khó lường.
Trong ngày 7/1, TP HCM ghi nhận 18 ca tử vong, trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển lên. Đây là mức tử vong thấp nhất kể từ đợt cao điểm dịch đến nay. Tổng số ca nhiễm tại TP.HCM hiện đã vượt 500.000 và số ca tử vong là hơn 20.000. Đến nay, 440.000 người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng nhìn nhận có nhiều rào cản làm hạn chế tốc độ chuyển đổi số dù TP.HCM từng đi đầu cả nước trong việc khởi động “Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh”.
Nguyên nhân được nêu ra là do chưa được thống nhất được việc chuyển đổi trong các cấp - ban - ngành của chính quyền thành phố. Điển hình như việc giấy phép điện tử của ngành này cấp nhưng không được sự chấp thuận từ ngành khác. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, bởi lẽ thay vì chỉ cần một giấy phép điện tử thì hiện cần phải có đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có "tên đề, dấu đóng".
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp như: Phát triển hạ tầng viễn thông; Xây dựng chính quyền số; Triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân…
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng cần phải một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn… để “không ai bị bỏ lại phía sau” và tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đơn vị sẽ phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát, xây dựng chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 50-70% người nghèo, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.