TP.HCM cần chủ động đối mặt làn sóng dịch Covid 19 lần thứ 5
Sáng 16/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị 10 có buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TPHCM) sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch nước yêu cầu TP. HCM phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch thứ 5 của dịch bệnh có thể xảy ra.
Cử tri mong sớm có vắc xin Covid 19 trong nước
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến cử tri đều bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế của TP.HCM và cả nước. Trong đó, nhiều người dân kiến nghị, Trung ương, các bộ, ngành có biện pháp để đạt được độ phủ vắc xin cao nhất toàn dân trong thời gian ngắn nhất.
Cử tri Trần Thị Cúc, xã Phước Thạnh (huyện Củ Chi), nhìn nhận, thời gian qua, vắc xin Covid19 đã thể hiện rõ hiệu quả, tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bằng chứng là số ca nhiễm, ca tử vong được kéo giảm từng ngày. Do đó, cư tri này quan tâm đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid 19 trong nước.
Bày tỏ lo lắng trước việc hiệu quả của vắc xin có thể giảm theo thời gian, cử tri Phan Thị Tuyết Anh (thị trấn Hóc Môn) mong muốn, các cơ quan sớm thực hiện tiêm mũi 3 vắc xin Covid 19 cho người dân bằng nhiều hình thức. "Phương án có thể áp dụng là người có điều kiện sẽ tiêm theo giá dịch vụ, người yếu thế, khó khăn sẽ được miễn phí. Điều này sẽ tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước", cử tri thị trấn Hóc Môn hiến kế.
Nhiều cử tri khác của huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn cùng chung ý kiến, TPHCM cần sớm phân bổ thêm nguồn vắc xin để thực hiện tiêm cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi.
Tăng cường công tác an sinh - xã hội
Tại điểm cầu thị trấn Củ Chi, Thượng tọa Thích Thiện Tâm, đặt vấn đề, với đặc điểm nằm ở ngoại thành, đời sống bà con huyện Củ Chi đa phần đến từ việc sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid 19, nhiều người đã lâm vào cảnh khó khăn. Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM xem xét các cơ chế, chính sách giúp đỡ người dân làm nông nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ để vượt qua hậu quả của đại dịch.
Cử tri Phan Văn Nhớ, xã Bình Mỹ, cũng kiến nghị, trong bối cảnh đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội, tổ đại biểu, lãnh đạo thành phố cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt người nghèo, người yếu thế.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh cũng cần được chú trọng.
TP. HCM cần chủ độngtrước làn sóng dịch lần thứ 5
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá, mức độ lây nhiễm của dịch Covid 19 ở mức nghiêm trọng khiến thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài.
Thực trạng này khiến nền kinh tế của thành phố đứt gãy, người dân ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý...
Chủ tịch nước lưu ý, tình hình dịch tại TP.HCM đang phức tạp trở lại và một số nước trên thế giới cũng đã xuất hiện làn sóng dịch Covid 19 lần thứ 5. "Thành phố cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng, chống làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5. Nếu không đặt vấn đề này sớm, chúng ta sẽ bị động.
Cấp ủy, chính quyền thành phố cùng các cơ quan cần thực hiện các nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất"- Chủ tịch nước yêu cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung vào các phần việc trọng tâm để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Trong đó, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua việc đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp. Ngoài ra, tất cả người lao động quay lại thành phố cần được tiêm vắc xin Covid 19.
Thành phố cần tích cực hơn trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng yêu cầu chính quyền TP.HCM tiếp tục phát huy nguồn lực trong xã hội, chú trọng hợp tác công tư, tháo gỡ nút thắt; tiếp tục triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng nên có chuyên đề khắc phục các tồn tại, bất cập trong hệ thống an sinh xã hội để hoạt động hiệu quả hơn; khôi phục, đảm bảo thông suốt hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, điểm cung ứng. Chính quyền cần đối thoại, nắm bắt khó khăn của từng doanh nghiệp để đưa ra phương án giải quyết.