TP.Hồ Chí Minh thí điểm mở lại các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ thí điểm mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ trên tinh thần đánh giá kỹ tình hình trong thời gian tới.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Bộ Y tế có hướng dẫn, TP.HCM dự kiến sẽ mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ (quán ăn, nhà hàng…) trong thời gian sắp tới.
Theo quy định ở cả 4 cấp độ dịch (cấp 1, 2, 3 và 4) đều được hoạt động và bảo đảm quy định về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.
Riêng cấp 4 (cấp nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ), các hoạt động này được hạn chế; ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các điều kiện cần thiết để hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm.
Ông Mãi cho biết thành phố đã lập tổ công tác chuẩn bị cho việc này với sự góp sức của nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng.
Trong tháng 10, TP.HCM sẽ tổ chức tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4.
Với đặc điểm đô thị đông đúc, các phường sát nhau, mọi hoạt động được phép mở cửa phải tính toán trong phạm vi cục bộ và tổng thể toàn thành phố.
“Ví dụ phường này cho hoạt động này nhưng người tham gia, khách hàng đến từ phường khác, nếu chỉ xử lý cục bộ thì không thể giải quyết được vấn đề. Phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đôi khi mâu thuẫn với nhau nên phải tìm phương án giải quyết hài hòa”, ông Mãi nói và đánh giá đây là vấn đề khó.
Hiện TP.HCM đang áp dụng các bộ tiêu chí trong các lĩnh vực như sản xuất, giao thông, công thương, du lịch… làm cơ sở để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ hướng dẫn tạm thời của Trung ương, thành phố sẽ điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với từng lĩnh vực.
“Đây là cách tiếp cận chung của thế giới. Các lĩnh vực như học hành, sản xuất, y tế, kinh doanh, dịch vụ… đều có tiêu chí an toàn của lĩnh vực đó. Nó như là phụ lục, sau này có gì thì thay đổi”, ông Mãi thông tin.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ sự thận trọng khi trao đổi với báo chí về nhận định tình hình dịch bệnh thành phố trong thời gian tới sẽ diễn tiến như thế nào.
Ông Mãi chia sẻ với trải nghiệm bản thân trong hơn 4 tháng về thành phố nhận nhiệm vụ và tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như kinh nghiệm thế giới thì “không ai dám nói trước chuyện gì”.
TP.HCM đã tạm dừng hoạt động với các quán ăn uống đường phố, trà đá, cafe vỉa hè (chỉ cho bán mang về), kể từ ngày 31/5/2021, sau khi Thành phố phát hiện 03 chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư.
Các cơ sở dịch vụ làm đẹp, tiệm hớt tóc, gội đầu... cũng tạm ngừng hoạt động.
Sau hơn 120 ngày giãn cách theo các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Chỉ thị 12 của Thường vụ Thành ủy TP.HCM, kể từ ngày 01/10/2021, TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát ,điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó các có biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội.
Các quán ăn được phục vụ trở lại nhưng chỉ được bán mang về, không được phục vụ tại chỗ.
Trên thực tế, nhiều khu vực, địa bàn đã kiểm soát dịch đạt kết quả tốt như huyện Củ Chi, quận 7.
Về kế hoạch mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ trong thời gian sắp tới, ông Phan Văn Mãi cho biết: Có thể là quận 7 hoặc địa phương nào đó trong Thành phố sẽ thí điểm.
"TP.HCM sẽ đánh giá kỹ tình hình. Tinh thần là khẩn trương nhưng phải đánh giá kỹ. Bởi nếu nôn nóng một chút sẽ ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch”, Chủ tịch TP.HCM nói.