Tôn Đông Á chào bán 12,4 triệu cổ phiếu trong lúc cổ phiếu toàn ngành sụt giảm
Mới đây, Tôn Đông Á dự kiến chào bán gần 12,4 triệu cổ phiếu, các cổ đông hiện hữu cũng muốn bán xấp xỉ 3 triệu đơn vị. Giá bán tối thiểu là 58.000 đồng/cp.
Mục tiêu huy động 717 tỷ đồng
CTCP Tôn Đông Á (TDA) mới công bố phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vào tháng 4 sắp tới.
Cụ thể, TDA sẽ trực tiếp chào bán 12.368.681 cổ phiếu, các cổ đông hiện hữu chào bán 2.981.319 cổ phiếu, tương ứng với tổng khối lượng 15,35 triệu đơn vị. Giá bán tối thiểu là 58.000 đồng/cp, tức là TDA có thể huy động khoảng 717 tỷ đồng và các cổ đông có thể thu về khoảng 173 tỷ đồng.
Các cổ đông hiện hữu của TDA tham gia đợt chào bán này bao gồm một tổ chức là Asia America Metal & Trade LLC với vốn điều lệ 1,2 triệu USD và 17 cá nhân, trong đó có Tổng Giám đốc TDA Hồ Song Ngọc.
Theo đó, cổ phiếu được phân phối theo phương thức dựng sổ thông qua ba đại lý là Chứng khoán SSI, Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) và Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. Nhà đầu tư cần đặt mua tối thiểu 5.000 cổ phiếu, bước khối lượng 1.000 đơn vị và mức đăng ký mua tối đa là 5.116.000 cổ phiếu.
Giá đặt mua tối thiểu 58.000 đồng/cp, bước giá là 100 đồng. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền cọc đến 27/1. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu đặt mua thành công là từ ngày 7/2 đến 11/2. Dự kiến vào tháng 4/2022, Tôn Đông Á sẽ niêm yết cổ phiếu ở HOSE.
Hiện, TDA có vốn điều lệ 1.023 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 102,3 triệu đơn vị cổ phiếu lưu hành. Nếu bán thành công 100% khối lượng dự kiến, công ty sẽ có vốn điều lệ 1.147 tỷ đồng, tương ứng gần 114,7 triệu cổ phiếu.
Doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôn
Tôn Đông Á được thành lập vào năm 1998, chuyên sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu dùng trong xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng…. Hiện tại, công ty có hai nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, công suất hàng năm 850.000 tấn tôn.
Theo thống kê, năm 2021, công ty ước tính sản lượng bán hàng đạt 780.000 tấn, doanh thu 20.609 tỷ và lãi sau thuế 1.200 tỷ. Mức giá chào bán tối thiểu dự kiến 58.000 đồng/cp tương đương 5 lần mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu năm 2021.
Trước đó, năm 2020, Tôn Đông Á tiêu thụ hơn 630.000 tấn tôn mạ ở trong nước cũng như xuất khẩu, chiếm 16% thị phần, đứng thứ 2 chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Trong 11 tháng đầu năm 2021, công ty bán ra hơn 715.000 tấn tôn, đứng thứ 3 về thị phần.
Tôn Đông Á chủ yếu bán hàng cho các doanh nghiêp khác (B2B, hay Business-to-Business) thay vì bán hàng cho cá nhân. Công ty có mạng lưới gần 1.500 đại lý bán hàng cấp 1 và cấp 2, trong đó có 1.052 đại lý có gắn bảng hiệu của Tôn Đông Á.
Trong năm 2019 và 2020, công ty đều trả cổ tức tỷ lệ 10%. Năm 2021, Tôn Đông Á dự kiến chi cổ tức tương đương 30% mệnh giá.
Cổ phiếu toàn ngành thép đang giảm sâu
Hiện, ban lãnh đạo và các cổ đông lớn đang sỡ hữu trên 80% vốn điều lệ của công ty.
Theo đó, cổ đông lớn nhất của Tôn Đông Á hiện nay là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Trung với tỷ lệ sở hữu 36,5%. Vợ ông Trung là bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cũng là cổ đông lớn và thành viên HĐQT của Tôn Đông Á. Trong đợt IPO này, gia đình ông Trung – bà Quỳnh không đăng ký bán ra.
Hai cổ đông chiến lược nước ngoài là JFE Shoji và Hanwa cũng không có kế hoạch bán bớt cổ phần Tôn Đông Á.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Hồ Song Ngọc cùng hai Phó Tổng Giám đốc là Đoàn Vĩnh Phước và Phạm Quốc Thắng đều dự kiến thoái vốn.
TDA thông báo kế hoạch IPO và niêm yết trong bối cảnh cổ phiếu ngành thép đang giảm sâu, số vốn huy động được vì vậy có thể không lớn bằng thời điểm thị trường thuận lợi.
Cụ thể, cổ phiếu NKG của Nam Kim đã có hai phiên liên tiếp giảm trên 5%, đóng cửa ngày 18/1 ở 33.300 đồng/cp, thấp hơn 40% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10. HSG của Hoa Sen và HPG của Hòa Phát cũng đang thấp hơn lần lượt 33,5% và 24% so với đỉnh lịch sử.