Tín nhiệm quốc gia của Việt Nam mức BB, triển vọng ổn định
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) khẳng định xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB phản ánh tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) công bố tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định.
Theo đại diện của Bộ Tài chính, việc S&P khẳng định xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB phản ánh đánh giá của tổ chức này về tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau khoảng thời gian giảm tốc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) công bố tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định.
Cụ thể, S&P nhận định thành tựu tăng trưởng vững chắc của Việt Nam trong những năm qua sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì định mức tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh đó, S&P cũng cân nhắc thách thức tiềm tàng đối với lĩnh vực tài khóa và ngân hàng trong trường hợp tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài.
Việc triển vọng tín nhiệm của Việt Nam được duy trì ở mức ổn định thể hiện nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và cân bằng khi đại dịch toàn cầu được kiểm soát với khu vực xuất khẩu. Mặt khác, tổng cầu nội địa là động lực tăng trưởng chính giúp dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn hẳn mức bình quân của các quốc gia đồng hạng tín nhiệm.
Trong kịch bản đại dịch trên toàn cầu được cơ bản kiểm soát vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, S&P dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ tiến gần tốc độ phát triển Việt Nam đã xác lập trong dài hạn từ 6,0%-7,0%.
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình bộ và các cơ quan liên quan làm việc với S&P để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia cuối tháng 4/2020, phía Việt Nam đã trao đổi và đưa ra những minh chứng thuyết phục về khả năng thích ứng của nền kinh tế được thể hiện rõ nét trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.
Ngoài thành công trong việc phòng chống hiệu quả đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với các quốc gia, tổ chức quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Kết quả này thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa người dân và Chính phủ, góp phần bồi đắp nền tảng thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát và khẳng định vị thế đối ngoại vững vàng của Việt Nam.
Trên thế giới, từ đầu tháng 4 đến nay, S&P đã điều chỉnh và đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 32 quốc gia;trong đó 10 quốc gia bị hạ bậc, 22 quốc gia bị hạ triển vọng.
Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt nhưng còn diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, việc S&P xác nhận giữ nguyên định mức và triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện niềm tin của tổ chức này vào khuôn khổ thể chế của Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy thành tựu phát triển trong trung, dài hạn, góp phần nâng cao mức thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho S&P về tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Liên quan đến việc hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, sáng ngày 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điểu chỉnh một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Nhận định tình hình trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới, khu vực được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.
Mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
Trong bối cảnh đó, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. Nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đòi hỏi chúng ta cần đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi. Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng; trong khi kinh tế thế giới, nhiều quốc gia, đối tác lớn (5 thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm 70% kim ngạch thương mại, xuất khẩu của Việt Nam) và đa số các nước khu vực ASEAN đều dự báo tăng trưởng âm; thương mại quốc tế giảm sâu tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
Theo Thủ tướng, so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
“Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế - xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương, với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công”, Thủ tướng Chính phủ nêu.
Về nội dung này, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Hiện nay, trên thế giới có ba tổ chức định mức tín nhiệm lớn là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings. Cách xếp hạng của họ căn bản là giống nhau, chỉ có điều họ ký hiệu hơi khác nhau một chút. Ví dụ Standard & Poor’s thì dùng BB còn Moody’s thì dùng Ba...
Trên quy mô quốc gia, khi được đánh giá là BB/BB+/stable có nghĩa là nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam khi phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ được xếp là BB, còn trái phiếu nội tệ là BB+ và tương lai chưa có gì thay đổi (stable).
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm