Tín dụng xanh - hướng đến cân bằng giữa kinh tế và môi trường.
Một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu là "Xanh hóa" tín dụng, nhằm đạt được mục tiêu kép là vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Nước ta là một trong những quốc gia đang thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Được biết, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam chỉ riêng tính trong hai năm 2021 và 2022. Trong đó, phần lớn trong đó là dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải.
Số lượng tổ chức nước ngoài cấp vốn cho tín dụng xanh ở Việt Nam trong 2 năm trở lại đây so với những năm trước đó tăng gấp 2,5. Tiềm năng thu hút đầu tư còn rất lớn.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam nhân định, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên, tài chính xanh hiện đang cho vay ở các dự án năng lượng tái tạo. Do đó ở Việt Nam, có rất nhiều dư địa và cơ hội để mở rộng nguồn vốn cho tài chính xanh. Chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ vào đầu tư xanh thì có thể giải phóng hàng tỷ USD.
Tín dụng xanh thường có mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với thông thường nhờ nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài, bên cạnh đó cũng tùy thuộc vào tính hiệu quả của từng dự án.
Tháo gỡ khó khăn trong việc cấp tín dụng xanh
Các ngân hàng hiện nay đưa ra các gói vay xanh ngày càng nhiều. Trong đó, nguồn vốn quốc tế có lãi suất thấp hơn, lại được ưu tiên giải ngân, tín dụng xanh có vẻ thực sự hấp dẫn.
Mặc dù tín dụng xanh đang ngày càng nhận được sự quan tâm hơn nhưng vốn xanh vẫn còn khá khiêm tốn, mới chiếm 4,1% tổng dư nợ cho vay. Một phần cũng do hiện vẫn chưa có một quy định thống nhất về thế nào là danh mục dự án xanh khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó khăn.
Trong đó, "dự án xanh" chưa có tiêu chí thống nhất, mỗi ngân hàng lại thẩm định theo tiêu chí riêng. Các ngân hàng mặc dù đã chủ động hợp tác với đối tác nước ngoài và các cơ quan chức năng để đào tạo cán bộ thẩm định, đánh giá rủi ro, nhưng quy trình này đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo tiêu chí với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Thông tư 17 cũng mới được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường, đây là cơ sở quan trọng để khơi thông dòng vốn xanh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được nhiều ý kiến đề xuất là cần có những chính sách ưu đãi riêng cho các ngân hàng thương mại tham gia giải ngân dự án xanh; đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để các bên có thể áp dụng thống nhất, góp phần đơn giản thủ tục cho vay.
Hiện nay, tín dụng xanh đang là xu hướng của ngành tài chính toàn cầu với mục tiêu hướng tới sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Nước ta cần kịp thời nắm bắt được cơ hội từ các nguồn vốn xanh, cả trong nước và quốc tế. Nguồn lực tài chính này vô cùng quan trọng để chúng ta đạt được cam kết phát thải ròng về 0% vào năm 2050.
Bích Ngọc