Thủy sản nhập khẩu vào Anh cần phải có chứng thư vệ sinh mới
Các giấy chứng thư vệ sinh hiện tại mà các quốc gia không thuộc Liên minh Châu Âu sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021. Đối với thủy sản nhập khẩu Vương quốc Anh vào hoặc sau ngày
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến thủ tục, chứng từ và thuế quan khi xuất khẩu vào Vương quốc Anh. Lý do là các giấy chứng nhận hiện tại mà các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021 nên đối với thủy sản nhập khẩu vào Anh sau ngày này sẽ cần giấy chứng thư vệ sinh mới.
Theo đó những doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh có thể phải điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với các quy định mới. Bởi lẽ Brexit và thỏa thuận thương mại mới ảnh hưởng đến hải quan, thuế quan, kiểm tra an toàn thực phẩm và nhãn mác. Nếu doanh nghiệp có đại diện làm việc tại EU, họ có thể không đến được Anh và hãy đảm bảo rằng người đại diện này có thị thực hoặc giấy phép cư trú hợp lệ.
Bên cạnh đó, đối với các nhà xuất khẩu, điều quan trọng cần biết là EU và Anh sẽ quy định các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm riêng của họ.
"Điều này có nghĩa là sẽ có các cuộc kiểm tra tại cửa khẩu để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn. Các giấy chứng thư vệ sinh hiện tại mà các quốc gia không thuộc Liên minh Châu Âu sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021. Đối với thủy sản nhập khẩu Vương quốc Anh vào hoặc sau ngày 1/4/2021 sẽ cần giấy chứng thư vệ sinh mới." VASEP cho biết.
Ngoài ra, nếu sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp Việt phải đi qua EU để đến Anh thì sản phẩm đó phải vào lãnh thổ EU thông qua Trạm kiểm soát biên giới.
Mỗi lô hàng sẽ cần một chứng nhận y tế nhập cảnh chung, các nhà nhập khẩu cần thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Anh bằng cách sử dụng hệ thống báo cáo nhập khẩu mới: Hệ thống nhập khẩu sản phẩm, động vật, thức ăn và thức ăn chăn nuôi (IPAFFS). Công cụ này thay thế hệ thống trực tuyến TRACES của EU.
Vương quốc Anh và EU sẽ không áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản được mua bán giữa các vùng lãnh thổ của họ. Trong trường hợp này, các sản phẩm được giao dịch phải có xuất xứ từ Vương quốc Anh hoặc một quốc gia thành viên EU.
Các nhà xuất khẩu từ các nước không thuộc EU phải kiểm tra với chính phủ của họ về các thỏa thuận thương mại và thuế quan hiện đang được áp dụng.
Hiện tại, cả EU và Anh vẫn đang đối phó với tác động của COVID-19. Vì vậy logistics và thương mại từ các nước ngoài EU đang gặp nhiều khó khăn và một số chính sách vẫn có thể thay đổi.
Việc kiểm tra thủy sản nhập khẩu vào Vương quốc Anh từ các nước không thuộc EU sẽ vẫn như cũ. Tuy nhiên, trong tương lai Anh có thể thực hiện các thay đổi dựa trên các rủi ro cụ thể của nước này.
Trên thực tế, việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua Vương quốc Anh trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 đã có tăng trưởng mạnh. Thống kê Hải quan cho thấy, năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 355 triệu USD, trong đó, tôm, cá tra, cua, ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, sản phẩm cá tra chế biến tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với năm 2019.
Tính đến giữa tháng 2/2021, chỉ tính riêng mặt hàng cá tra xuất khẩu đã đạt 3,89 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Do đó, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Anh năm nay sẽ tiếp đà tăng trưởng của năm 2020 nhờ cầu thị trường cũng như tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh.
Hiện tại, để khai thác thị trường này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm