Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước
Trong năm 2020 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT… trong việc xác lập khuôn khổ pháp lý đầu tiên trong hoạt động chuyển đổi số, cụ thể là sử dụng chữ ký số.
Ngày 19/11, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội.
Theo lãnh đạo Sở TT&TT TP Cần Thơ, ứng dụng chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Theo đó, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Ảnh Vietnamnet |
Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2020 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT… trong việc xác lập khuôn khổ pháp lý đầu tiên trong hoạt động chuyển đổi số.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, với một đội ngũ công chức có kiến thức công nghệ thông tin còn mỏng, hạn chế, điều kiện hạ tầng về công nghệ thông tin lạc hậu, cũng như với cách tiếp cận của nhiều công chức đã quá quen với việc sử dụng tài liệu giấy để truyền đạt thông tin. Việc thời gian gần đây sử dụng chữ ký số đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi trong các hoạt động của cơ quan nhà nước.
Lãnh đạo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đã nêu ra những lợi ích của chữ ký số cho chuyển đổi số như: Tăng cường bảo mật, giảm chi phí hoạt động, cải thiện năng suất của nhân viên, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đáp ứng, duy trì tuân thhủ quy định.
Ngoài ra, lợi ích của chữ ký số cho việc chuyển đổi số vì nó cho phép ký số các tài liệu và yêu cầu dịch vụ hoặc sản phẩm ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Giảm sử dụng giấy, góp phần chăm sóc môi trường, tự động ký nhiều tài liệu…
Tại Hội nghị, cán bộ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, nêu ra những điểm chính cần lưu ý của Nghị định 45/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm