0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 01/01/2021 09:17 (GMT+7)

Thừa Thiên-Huế: Sản phẩm tinh dầu tràm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 4656/QĐ-SHTT ngày 03/12/2020 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Huế" đối với sản phẩm Tinh dầu tràm.

Tinh dầu tràm Huế là một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, là món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi đến với Huế. Tinh dầu tràm Huế là sự tiếp nối danh tiếng và kế thừa chất lượng cùng phương pháp sản xuất dầu tràm Huế vốn đã rất nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn. Trong suốt hơn 350 năm giai đoạn chín Chúa, mười ba Vua nhà Nguyễn, dầu tràm Huế luôn nằm trong danh mục các sản phẩm phải cống nộp (tiến Vua).

Tương truyền, tổ nghề dầu tràm xứ Huế là những người thợ nấu dầu sả từ Đàng Ngoài theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập ấp, khai hoang và nơi khởi nguồn nghề chưng cất dầu tràm ở chân đèo Phước Tượng thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, những người chưng cất dầu tràm nơi đây được coi là những “cây đại thụ trong nghề”.

Sản phẩm tinh dầu tràm của Thừa Thiên-Huế đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Với danh tiếng là sản phẩm tiến Vua, dầu tràm Huế đã được buôn bán khắp Đông Dương vào những năm 30 của thế kỉ XX và trở thành một sản phẩm thương mại nổi tiếng. Người đặt nền móng cho việc thương mại hóa này là từ gia đình Tôn Thất, một gia đình hoàng tộc thuộc dòng dõi Định Viễn Quận Vương (hoàng tử thứ 6 của vua Minh Mệnh) với việc mở ra hơn 3.000 đại lý buôn bán dầu tràm tới tất cả các nước Đông Dương.

Nhờ công dụng cùng với sự nổi tiếng rộng rãi, dầu tràm Huế đã được tặng thưởng rất nhiều danh hiệu cao quí như: Long bội tinh (năm 1930); Kim Khánh hạng nhì và Ngân tiền hạng ba (năm 1931); Chứng chỉ danh dự cùng một pho tượng gỗ tại cuộc đấu xảo Trí tri Hải Phòng; Ngân tiền hạng nhất và phần thưởng hạng nhất tại cuộc Đấu xảo Mỹ nghệ Huế; Chứng chỉ danh dự tại cuộc Đấu xảo Khoa học Hà Nội; Bằng cấp hạng nhất (tại hội chợ Phụ nữ Sài Gòn).

Cứ như thế, theo thời gian, người dân xứ Huế tiếp tục truyền thống nấu dầu tràm để lưu giữ nghề ông cha để lại, đồng thời liên tục đúc kết kinh nghiệm sản xuất và phát huy sáng tạo để tạo ra sản phẩm có chất lượng ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu cũng như các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe của con người trong giai đoạn mới.

Lò chưng cất tinh dầu tràm của cơ sở sản xuất tinh dầu tràm CSSX-KD Dầu tràm Tiến Triều, thị trấn Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Việc chuyển từ "nấu" dầu tràm sang phương pháp "chưng cất" của người Huế đã tạo ra sản phẩm tinh dầu tràm với hàm lượng dược chất cao hơn hẳn sản phẩm thời xưa, đặc biệt là hàm lượng Cineol (từ 40-60%).

Thị trường tiêu thụ của tinh dầu tràm Huế tiếp nối thị trường tiêu thụ của sản phẩm dầu tràm truyền thống, đó là thị trường tiêu thụ không chỉ có trên địa bàn Huế mà trên khắp cả nước và các quốc gia khác ở khu vực châu Á, châu Âu hay châu Mỹ.

Tinh dầu tràm Huế có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng (không nồng, không hắc), hương thơm lưu lại lâu và không bị bám dính trên da sau khi bay hơi.

Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế là tổ chức được UBND tỉnh giao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý và thực hiện chức năng của Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý theo khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác kiểm soát nội bộ đối với chỉ dẫn địa lý tinh dầu tràm Huế để đảm bảo được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất.

Được biết, hiện nay trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh dầu tràm với gần 60 lò chưng cất, sản lượng tinh dầu khoảng 16.000 lít/năm. Trong đó, có khoảng 50% sản lượng dầu tràm đã đóng chai (dung tích 40ml; 50ml; 80ml; 100ml) với giá khoảng từ 1 - 1,8 triệu đồng/lít (một số cơ sở đã chế biến dưới dạng cao dầu tràm) và khoảng 50% dầu tràm được bán dưới dạng nguyên liệu (chưa đóng chai) với giá khoảng 750 - 800 nghìn đồng/lít.

Được biết, Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên-Huế: Sản phẩm tinh dầu tràm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới