Thừa Thiên Huế phát triển sản phẩm OCOP dựa trên những giá trị truyền thống
Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh được trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra những sản phẩm OCOP mới gắn với lợi thế của Huế phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Mới đây, đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về một số định hướng thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và đoàn công tác đã tiến hành thảo luận một số nội dung liên quan đến định hướng phát triển các sản phẩm gắn với văn hóa du lịch của Cố đô Huế; sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao năng lực cho các hợp tác xã; xuất tiến thương mại sản phẩm OCOP;…
Thừa Thiên Huế phát triển sản phẩm OCOP dựa trên những giá trị truyền thống |
Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng: Hiện nay nguồn kinh phí Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã dự kiến nguồn. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm trong việc xây dựng Chương trình OCOP, do vậy đề nghị phía địa phương đề xuất rõ nhu cầu, tiếp tục triển khai các sản phẩm chỉ đạo điểm trong năm 2021, để xem xét bố trí kế hoạch trong năm nay.
Quan điểm của Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương rất quan tâm đến 3 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo OCOP, do vậy, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hình thành đề án, sớm được các cấp ngành phê duyệt để được bố trí vốn trung hạn của chương trình năm 2022.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Với Chương trình OCOP, địa phương cần đẩy mạnh được trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới gắn với lợi thế của Huế phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Để chương trình OCOP có sự khác biệt thì phát triển sản phẩm OCOP từ sự đặc trưng để tạo ra ưu thế của Huế; đồng thời phải phát huy giá trị nội sinh, phát triển cộng đồng là cốt lõi.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm