Thua lỗ khủng, Vietnam Airlines (HVN) đối mặt với áp lực thanh khoản ngắn hạn
Kết thúc quý 2/2021, hãng hàng không với biểu tượng sen vàng ghi nhận thua lỗ 'khủng' nhất thị trường chứng khoán. Đặc biệt, HVN đang đối mặt với áp lực thanh khoản khổng lồ với nợ ngắn hạn lớn gấp hơn 5 lần so với tổng tài sản ngắn hạn.
Vietnam Airlines thua lỗ 'khủng' nhất thị trường chứng khoán
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) mới công bố, ghi nhận doanh thu thuần gần 6.600 tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lỗ sau thuế 4.528 tỷ đồng. Đây là số lỗ lớn thứ 2 trong lịch sử Vietnam Airlines, chỉ sau quý 1/2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần giảm gần 44% còn gần 14.000 tỷ; lỗ sau thuế tại HVN tăng 63% lên 8.585 tỷ.
Đáng lưu ý, với mức lỗ 4.890 tỷ đồng của quý 1/2021, Vietnam Airlines lẽ ra phải lỗ hơn 9.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia chỉ ghi nhận lỗ hơn 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Điều này cho thấy tổng công ty đã điều chỉnh số liệu tài chính của quý 1/2021.
Tuy nhiên các con số trên đều thấp hơn mức lỗ ước tính 10.788 tỷ đồng mà lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên hôm 14/7.
Sau nhiều quý lỗ liên tiếp, tính đến cuối quý 2/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chuyển sang âm 2.750 tỷ đồng trong khi đầu năm ghi nhận 6.072 tỷ đồng.
Như vậy, trên thị trường chứng khoán, Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 âm nặng nhất và thua lỗ quý 2/2021 lớn nhất.
Trước đó, Vietnam Airlines đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đề nghị được gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính do gặp khó khăn trong việc tổng hợp chứng từ, số liệu trong thời gian giãn cách vì Covid -19.
HVN đang đối mặt với áp lực thanh khoản ngắn hạn
Tình hình tài chính tại HVN cũng biến động không kém khi tổng tài sản tại ngày 30/6 là 61.255 tỷ, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Ngược lại, tổng nợ phải trả tại HVN còn lớn hơn với 64.006 tỷ, tương đương tăng 13%
Đáng lưu tâm nhất chính là áp lực thanh khoản ngắn hạn tại HVNngày càng gia tăng.
Cụ thể, tính đến 30/6/2021, tài sản ngắn hạn tại HNV đạt gần 8.200 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn lên hơn 42.826 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Như vậy, nợ ngắn hạn tại HVN gấp hơn 5 lần so với tổng tài sản ngắn hạn.
Riêng vay nợ tài chính của Vietnam Airlines ghi nhận gần 34.463 tỷ đồng, chiếm 54% nợ phải trả.
Hơn nữa, tính đến cuối quý 2/2021, HVN chỉ còn gần 1.600 tỷ đồng tiền mặt, giảm 23% so với đầu năm và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh so với mức hơn 2.100 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines khai thác tổng cộng xấp xỉ 36.000 chuyến bay, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch COVID-19 hai lần bùng phát đợt 3 và đợt 4.
Theo số liệu mới nhất từ ngày 19/07-18/08, Vietnam Airlines chỉ thực hiện 1,025 chuyến bay, giảm 84.6% so với cùng kỳ 2020 và giảm 47% so với tháng trước. Đây là một trong những số liệu ảm đạm nhất của hãng hàng không quốc gia Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 ập đến.
Hoàng Long