Thủ tướng: Năm 2022, khó khăn và thách thức nhiều hơn, phấn đấu chiến thắng dịch bệnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, cần phấn đấu chiến thắng dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra chiều ngày 5/1 hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo, tình hình trong năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp: "Chúng ta phải xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. Với tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2022 với chủ đề: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
"Phấn đấu 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh. Kinh tế phục hồi và phát triển, xã hội trật tự và kỷ cương. Chủ quyền quốc gia được giữ vững, chính trị được ổn định. Nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự báo năm 2022, Thủ tướng đã chỉ ra 5 rủi ro chính bên ngoài và 6 khó khăn thách thức từ nội tại.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, việc tiếp cận vaccine không đồng đều dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng. Nền kinh tế thế giới, bao gồm có các nước lớn dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại, sức cầu thương mại giảm, đầu tư đối với nước ta.
Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. Giá cả tạo sức ép, lạm phát ở mức cao, hiện một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất, là vấn đề cần hết sức lưu tâm.
Biến thể mới Omicron, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội. Nguy cơ của biến thể mới này cần chờ thêm thời gian mới có kết quả đánh giá cụ thể. Cần theo dõi và sớm có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm. Giải ngân đầu tư công còn chậm, dù có nhiều chỉ đạo, đôn đốc và giải pháp quyết liệt (một phần là do dịch bệnh, phần khác là do nguyên nhân chủ quan...).
Thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Rủi ro nợ xấu gia tăng, đòi hỏi quyết sách rất khôn khéo của năm nay và cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm....
Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải thần tốc tiêm phủ vaccine, nhanh chóng đáp ứng về thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ và đề cao ý thức người dân với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp về hành chính.
"Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Quản lý việc tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui xuân... phù hợp với tình hình dịch bệnh bảo đảm an toàn", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.
Nhìn lại năm 2021 vừa qua, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thử thách, cả nước đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh."Nhìn chung, chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời điểm biến chủng Delta xâm nhập sâu vào trong nước, Việt Nam khi đó chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế nên bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Dịch COVID-19 và các biện pháp hành chính gây ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội.
"Đến nay, chúng ta đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vaccine, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần kết luận của Trung ương", Thủ tướng nói.
Tác động của dịch bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế -xã hội. Tăng trưởng GDP phục hồi trong quý 4 là mức đáng khích lệ. Kinh tế đất nước đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.