Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro tiềm ẩn và những điều cần lưu ý
Sự vào cuộc của các CQQL gần đây được cho là rất cần thiết, ngăn chặn những đổ vỡ (nếu có) của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, để “chữa bệnh” cho thị trường, cần nhìn từ “gốc bệnh" nhìn từ mục tiêu cao nhất.
Trước hiện tượng tăng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.
Theo dự thảo, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để “chữa bệnh” cho thị trường, cần nhìn từ “gốc bệnh” và nhìn từ mục tiêu cao nhất của thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, thị trường TPDN thời gian qua phát triển nhanh nên chắc chắn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn. Có ba điều mà ông cho rằng hết sức quan ngại:
Thứ nhất, trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân mua TPDN ở tỷ lệ rất thấp, khoảng 5,5% tổng quy mô thị trường phát hành trái phiếu. Trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ mua TPDN của nhà đầu tư cá nhân lại tăng rất mạnh, chiếm đến gần 30%, với lĩnh vực bất động sản thậm chí còn cao hơn.
Thứ hai, qua quản lý giám sát thị trường, chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế nhưng lại phát hành một khối lượng lớn TPDN. Có những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn phát hành và huy động được khối lượng lớn trái phiếu. Lại có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành trái phiếu ban đầu, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và các tổ chức thực chất sử dụng vốn.
Thứ ba, liên quan đến chất lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ, trong đó, các công ty chứng khoán trực tiếp cung ứng dịch vụ tư vấn về hồ sơ phát hành TPDN có thiên hướng xây dựng hồ sơ có lợi hơn cho doanh nghiệp.
Trước thực tế này, trong Nghị định 153 sửa đổi, Bộ Tài chính sẽ đưa vào thêm các quy định về tăng cường công bố thông tin, quy định áp dụng định mức tín nhiệm như một kênh để nhà đầu tư có thể tham chiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Ngoài ra, ông Dương cho biết một điểm quan trọng khác, đó là Bộ Tài chính sẽ đưa vào các quy định để nhanh chóng thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ thứ cấp, một mặt, nhà đầu tư có thêm nhiều kênh thông tin để đầu tư và giao dịch.
Đồng thời, cơ quản lý nhà nước cũng sẽ thông tin trên thị trường thứ cấp để điều hành thị trường. Bộ Tài chính cũng sẽ đưa ra những giải pháp phát triển song song các kênh huy động vốn khác, bù lại kênh TPDN trong trường hợp có thay đổi về khung pháp lý.
Góp ý về dự thảo, một số chuyên gia cho rằng, để thị trường phát triển lành mạnh, cần có một “quả bom vỡ” để gây sự chú ý và làm thay đổi sự nhìn nhận của các bên tham gia thị trường.
Cụ thể ở đây, cần chấp nhận để xảy ra một vụ vỡ nợ đối với 1 doanh nghiệp có tiếng - điều này sẽ là lời cảnh tỉnh dành cho nhà đầu tư khi tham gia, cũng như để các doanh nghiệp chào bán trái phiếu có trách nhiệm hơn khi gọi vốn.
“Nâng cấp” nhà đầu tư, tổ chức phát hành và cả trung gian
Năm 2022, thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ tiếp tục có bước phát triển với sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm trong bối cảnh khung pháp lý ngày càng hoàn thiện để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Được biết, theo dự thảo, nhiều nội dung mới đã được cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường TPDN. Chia sẻ về góc nhìn của “người trong cuộc”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, cần “nâng cấp” nhà đầu tư, tổ chức phát hành và cả trung gian.
“Với Nghị định 153, theo tôi, vẫn có 3 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, với nhà đầu tư cá nhân, thời gian qua đã tách biệt được nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhà đầu tư không chuyên nghiệp, nhưng thời gian tới vẫn cần có thêm những giải pháp để xác định được nhà đầu tư chuyên nghiệp một cách chuẩn hơn.
Thứ hai, với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nếu họ làm đúng pháp luật thì vẫn nên khuyến khích tạo điều kiện nhưng phải minh bạch. Doanh nghiệp làm đúng pháp luật vẫn có thể phá sản vì có thể những tính toán của họ về thị trường không phù hợp. Còn doanh nghiệp nào cố tình lừa đảo để huy động vốn thì phải xử lý mạnh.
Thứ ba, với tổ chức trung gian, thời gian qua, Hiệp hội của chúng tôi đã có sổ tay chuẩn mực phát hành của doanh nghiệp, tới đây phát thêm sổ tay chuẩn về điều kiện chào bán cho các tổ chức trung gian tài chính. Theo tôi, các tổ chức trung gian khi bán sản phẩm mà có rủi ro thì phải có một bản mô tả rõ rủi ro, yêu cầu nhà đầu tư ký và ghi rõ “tôi đã đọc đã hiểu” và cam kết chấp nhận toàn bộ rủi ro của trái phiếu.
Nếu thực hiện việc đó nữa, chúng ta cũng giúp các nhà đầu tư được đào tạo nâng cao hiểu biết hơn về sản phẩm tài chính”, ông Quỳnh góp ý.