Thêm nhiều cơ hội đưa trái cây Việt ra thị trường quốc tế
Xuất khẩu trái cây sẽ có nhiều cơ hội từ thị trường nhập khẩu nếu đáp ứng được các yêu cầu về kiểm soát mã số vùng trồng, không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kết nối cung cầu cây ăn trái" diễn ra mới đây, ông Lê Văn Thiệt - Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) cho biết, nếu không do COVID-19, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng.
Dự kiến cuối vào cuối năm nay hoặc năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với các oại nông sản nêu trên. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Hiện nay, đã có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia tỷ dân này.
Trước đó, bên lề chuyến thăm chính thức Nhật Bản của đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Thống đốc tỉnh Wakayama, ông Nisaka Yoshinobu. Phía Nhật Bản cho biết, sẽ ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ, sớm cấp phép nhập khẩu quả nhãn tươi của Việt Nam trong năm sau.
Nhật Bản và Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Wakayama và Việt Nam. Trong bối cảnh hai nước đang thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuẩn bị bước vào thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đầu năm 2022.
Nhãn cũng là loại qua được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam tại Nhật Bản (là nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể.
Hiện nay, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô, đông lạnh để chế biến thêm vào các sản phẩm chè, nước giải khát… Trước đó, loại quả cùng họ với quả nhãn, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cho phép nhập khẩu chính thức kể từ tháng 12/2019.
Nếu sớm được cấp phép xuất khẩu sang Nhật, nhãn sẽ là loại trái cây có triển vọng gia tăng xuất khẩu. Quá trình đàm phán mở cửa một thị trường nổi tiếng khó tính với tiêu chuẩn cao như Nhật Bản sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của hai nước.
Hiện nay thị trường về cây ăn quả trên toàn thế giới đang được mở rộng, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Do vậy giá trị thương mại của cây ăn quả rất cao, khoảng 200 tỷ USD/năm. Đây là cơ hội lớn để các vùng, địa phương có lợi thế phát triển cây ăn quả của Việt Nam cũng như của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Việc khai thông thị trường cho trái cây Việt hiện vẫn còn rất nhiều những trở ngại và khó khăn. Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc thiếu liên kết vùng để khai thác 22 chủng loại cây ăn quả theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương, bên cạnh đó, người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất, khó khăn trong liên kết với các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường với các sản phẩm cây ăn quả.
“Cục Trồng trọt và các địa phương cần quy hoạch lại từng chủng loại cây ăn quả theo nhu cầu thị trường; nâng cấp chuỗi sản phẩm cây ăn quả theo nhu cầu thị trường”, ông Lê Quốc Điền kiến nghị.
Trái cây nói riêng và nông sản nói chung, muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc,... đều cần mã số vùng trồng, đóng gói và không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc vượt quá mức hạn định. Nếu có chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mạnh mẽ hơn khi vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng và những yếu tố tiên quyết để mở rộng cách cửa xuất khẩu cho trái cây Việt.
Các cơ quan chuyên môn và quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, với nông dân. Trong đó, Sở NN&PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật cũng có vai trò quan trọng trong tư vấn, định hướng cho nông dân.