Đại gia Bắc Ninh bỗng hụt cả trăm tỷ khi giá lợn hơi giảm mạnh
Đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi lợn ghi nhận lợi nhuận tụt giảm trong quý III do đại dịch. Tuy nhiên, giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại và tập đoàn có thêm 1.000 tỷ đồng trong một khoảng thời gian ngắn.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận sau thuế ước đạt 138 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng, DBC ước đạt 13.669 tỷ đồng doanh thu, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 37%, chỉ còn 718 tỷ đồng.
Sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại quãng thời gian bùng nổ lợi nhuận của Dabaco đã đi qua.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu DBC gần đây tăng mạnh, vẫn ở mức cao. Khoảng 2 tháng rưỡi qua, cổ phiếu DBC tăng thêm 10.000 đồng/cp lên 60.000 đồng/cp. Với hơn 115 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DBC ghi nhận vốn hóa tăng hêm hơn 1.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn.
Giá lợn gần đây giảm mạnh. Giá lợn hơi sụt giảm sâu, trong khi lợn thịt bán ra cũng giảm đáng kể và tiêu thụ chậm. Đây có thể là lý do khiến các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt lợn giảm lợi nhuận.
Hồi đầu tháng 9, Dabaco chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Theo kế hoạch, Dabaco sẽ thanh khoán vào ngày 23/11. Tổng số tiền dự kiến chi ra là 230 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận sau thuế đạt 580 tỷ đồng, hoàn thành trên 70% kế hoạch năm. Doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Trong năm 2020 vừa qua, Dabaco ghi nhận doanh thu vượt 10 nghìn tỷ (tăng gần 40%) và lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 5 lần năm trước, lên 1.400 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát gần đây cũng đổ tiền đầu tư vào mảng chăn nuôi lợn, bò và gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Thị phần chăn nuôi lợn của Hòa Phát cũng tăng mạnh. Lợi nhuận từ lợn chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu lợi nhuận từ mảng nông nghiệp.
Trong khi đó, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trong vài năm gần đây đầu tư rất mạnh cho mảng chế biến và phân phối thịt với thương hiệu thịt mát Meat Deli.
Masan MEATLife (MML) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thông qua kế hoạch tái cấu trúc bằng việc tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) và cho phép công ty chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu. MML được xây dựng với tầm nhìn khai phá thị trường thịt heo quy mô 10 tỷ USD của Việt Nam nhưng vẫn còn phân mảnh.