Tháng 1/2021, xuất nhập khẩu ước đạt hơn 54 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 1/2021, xuất nhập khẩu ước đạt hơn 54 tỷ USD |
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Với diến biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1/2020 ước tính thặng dư 100 triệu USD.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,1 tỷ USD, giảm 2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 tăng 50,5%.
Trong tháng 1/2021, 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Điểm sáng xuất khẩu vẫn nằm ở nhóm hàng công nghiệp chế biến với mức tăng 1% so với tháng 12/2020, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, tăng khá mạnh 25,9% so với tháng 12/2020. Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh do hãng Samsung cho ra mắt bộ ba sản phẩm mới là Samsung Galaxy S21, Samsung Galaxy S21 Plus và Samsung Galaxy S21 Ultra. Đây được xem là những chiếc điện thoại cao cấp Android mở màn cho làng công nghệ trong năm mới 2021.
Tháng 1/2021 điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD |
Trong khi đó, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản suy giảm 16,2% do khó khăn về thị trường khi thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.
Cơ quan chức năng Trung Quốc mới đây đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân. Bên cạnh đó, chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới với 4 tỉnh Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cũng đã đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để trao đổi với Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ. Từ đó, kéo dài kết quả xuất siêu ấn tượng với 1,3 tỷ USD ngay trong tháng đầu năm.
Về các mặt hàng nhập khẩu, xăng dầu các loại ước tính là 780 nghìn tấn, tính tăng 3,5% về lượng và giảm 22,6% về trị giá so với tháng 1/2020; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính 5,8 tỷ USD, tăng 37% so với tháng 1/2020.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 1/2020; Sắt thép các loại ước đạt 1,15 triệu tấn, trị giá là 806 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và giảm 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái
Mặt hàng đáng chú ý khác là ô tô nguyên chiếc các loại với lượng nhập khẩu ước tính 6.000 chiếc, trị giá là 191 triệu USD, tăng 32,8% về lượng và tăng 58,4% về trị giá so với tháng 1/2020...
Trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên, sang năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực khi các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu khả quan hơn nhờ hiệu quả của việc sử dụng vắc xin trong tiêm chủng phổ thông thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt.
Năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% với năm trước.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0%, tương ứng tăng 18,39 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,70 tỷ USD, tăng 3,7%, tương ứng tăng 9,31 tỷ USD.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm