Tết này, đổi tiền lẻ ở đâu hợp pháp?
Thời gian đến Tết Nhâm Dần đang đếm ngược từng ngày, thị trường đổi tiền lẻ dịp này lại nóng hơn bao giờ hết. Các điểm kinh doanh đổi tiền mới trực tiếp và online kiếm lời trái quy định đã bắt đầu hoạt động rầm rộ từ lâu.
Ngân hàng khan hiếm tiền lẻ dịp cuối năm
Nhân viên một ngân hàng quy mô vốn tầm trung cũng thông tin với Báo Giao thông: “Năm nay ít tiền lẻ lắm, mà nhu cầu cũng không cao như năm trước. Nếu là khách thường thì bọn em đều từ chối khéo, còn nếu là khách VIP thì tùy trường hợp em có thể phải đi đổi bên ngoài cho khách”.
Giám đốc chi nhánh chi nhánh Thanh Xuân một ngân hàng quốc doanh cũng thừa nhận với PV Báo Giao thông năm nay tiền lẻ mới về dịp Tết ít hơn mọi năm. Vị này cho biết, chi nhánh này đã nhận được tiền mặt đều đặn trong năm, nên tiền mới dịp Tết sẽ không về nhiều.
Cần đổi ít tiền lẻ để về quê mừng tuổi dịp Tết, một người dân đã liên hệ với một số nhân viên ngân hàng nơi chị gửi tiền để nhờ đổi tiền lẻ mới mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng. Tuy nhiên đến chiều 24/1 (tức 22 tháng Chạp) người này vẫn chưa được nhân viên ngân hàng nào đồng ý.
“Liên hệ với nhân viên ngân hàng HDBank Linh Đàm thì nhân viên nói năm nay khan hiếm tiền lẻ lắm, khan hiếm hơn năm ngoái nên không có tiền đổi cho khách”.
Đổi tiền lẻ "chợ đen" giá cao ngất ngưởng
Tham gia một nhóm kín trên facebook có tên "Đổi tiền mới, đổi tiền lì xì" với hơn 31.000 thành viên, nhiều bài đăng giới thiệu về dịch vụ đổi tiền lẻ với đủ các loại mệnh giá. Phí đổi cao ngất ngưởng, tùy theo mệnh giá tiền lẻ có thể lên tới 16%.
"Tiền 100.000 phí đổi 2%, tiền 50 nghìn phí đổi 6%, tiền 1000 phí đổi 16%...", phía dưới bài đăng có hàng chục bình luận đổi tiền. Liên hệ với người đăng bài qua số điện thoại chủ tài khoản facebook này cho biết nếu ở Hà Nội chỉ cần đưa địa chỉ sẽ có người mang tiền lẻ đến tận nhà.
Khi được phản ánh phí đổi cao, người này cho biết đây là mức giá cạnh tranh nhất "thị trường" rồi, nếu không đổi nhanh thì càng gần giao thừa, lượng tiền đổi càng khan hiếm đẩy mức phí đổi lên cao hơn nữa.
Cẩn trọng dính "bẫy" khi đổi tiền qua mạng
Người đổi tiền có thể đối mặt với hàng loạt rủi ro như bị đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.
Đổi tiền xong, khách hàng cũng không kiểm tra được hết bởi những đối tượng đổi tiền chỉ biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng, do đó ẩn chứa nhiều rủi ro có thể đổi thiếu, tiền bất hợp pháp. Khi đổi trúng tiền giả thì người dân còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có.
Đổi tiền lẻ ở đâu hợp pháp?
Liên quan đến hoạt động thu đổi tiền để hưởng chênh lệch, các chuyên gia pháp lý cho biết, những hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi như trên là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này quy định rõ: "Chỉ có Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân".
Như vậy, những hành vi hưởng chênh lệch khi đổi tiền sẽ bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 88/2019. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.