Techcombank tăng lãi suất không kỳ hạn lên gấp 33 lần so với mức cũ
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) tăng lãi suất huy động tiết kiệm, đặc biệt "ông vua CASA" tăng mạnh ở lãi suất không kỳ hạn lên 33 lần so với mức cũ.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) thông báo thực hiện áp dụng điều chỉnh lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng cá nhân lên 1%/năm, tăng gấp 33 lần so với mức cũ, áp dụng từ 5/11.
Cụ thể, ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,05%/năm lên 1%/năm không giới hạn số tiền tối thiểu, áp dụng cho tất cả các tài khoản thanh toán bằng VND của khách hàng cá nhân, áp dụng kể ngày 5/11.
Không những vậy, lãi suất ở những kỳ hạn còn lại huy động tại quầy cũng tăng thêm 0,2% đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Những kỳ hạn dưới 6 tháng, Techcombank đẩy lên mức kịch trần 6%/năm, còn kỳ hạn 6 đến 11 tháng lên 8,4%/năm, 12 tháng trở lên là 8,7%/năm.
Như vậy, sau khi tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên gấp 33 lần so với trước đó, Techcombank không còn là ngân hàng có mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, thay vào đó là các ngân hàng nhóm "big 4" như Vietcombank, BIDV và VietinBank ở mức 0,1%/năm, kế tiếp là MB và Agribank ở mức 0,5%/năm. Tiền gửi không kỳ hạn là nguồn tiền siêu rẻ mà các ngân hàng mong muốn huy động được.
Tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, Techcombank cho biết :Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng trong quý III/2022 tiếp tục giảm 1 % so với quý trước xuống còn 46,5%.
Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp, ông Ngô Hoàng Hà cho biết hiện nay toàn thị trường đều có thanh khoản không dồi dào, dẫn đến huy động có kỳ hạn tăng lên và CASA giảm đi. Chi phí huy động của ngân hàng không tránh khỏi tăng từ 2,1% lên 2,4% trong quý III.
Tỷ lệ CASA của Techcombank ở mức 46,5%, tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn nằm trong mức cao, giúp ngân hàng giảm bớt ảnh hưởng từ chi phí huy động có kỳ hạn và các phần khác tăng lên.
Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp cho rằng: Trong bối cảnh thị trường và kinh tế vĩ mô như hiện nay, thanh khoản không dồi dào như trước đây. Khi đó, khách hàng sẽ tối ưu sử dụng những nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh và đầu tư, tức là sử dụng nguồn tiền gửi trong ngân hàng cho các hoạt động đầu tư.
Do đó, CASA của cả ngành ngân hàng đều giảm, Techcombank cũng không ngoại lệ. Tỷ lệ CASA của Techcombank giảm 1% so với quý trước. Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng đó là sự thay đổi của thị trường, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn.
Về mặt dài hạn, chiến lược của Techcombank đặt mục tiêu cụ thể tỷ lệ CASA trên huy động đạt 55% và ngân hàng vẫn đang đều đặn thực hiện các hoạt động khác nhau để thúc đẩy mạnh mẽ tỷ lệ này trong dài hạn.
Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng: Tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng khó tăng trở lại khi người dân chọn gửi tiết kiệm hơn là để tiền nhàn rỗi. Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng CASA của Techcombank chậm lại hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đổ về kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất liên tục tăng.
Hải Anh