Tăng lương tối thiểu vùng: Điều chỉnh thời điểm này là "không thể"
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải gồng mình để duy trì việc làm.
Sáng nay 9/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia bước vào phiên họp chính thức đầu tiên thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024.
Thành viên chủ chốt của hội đồng gồm lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Đề xuất tăng 5-6% lương tối thiểu vùng năm 2024
Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện gần 3.000 lao động thuộc sáu tỉnh, thành cả nước, công bố ngày 8/8, cho thấy: Thu nhập của người lao động (NLĐ) cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, chăm sóc con cái...
Chỉ 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 75,5% còn lại trả lời thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Thậm chí có người nhận mức lương chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Chỉ có 8,1% NLĐ có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại DN phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Đáng lưu ý, 17,3% NLĐ phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% NLĐ thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Do không có tích lũy, nhiều NLĐ khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần. 12,3% NLĐ từng rút một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.
Cạnh đó, NLĐ phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà (trung bình hơn 1,8 triệu đồng).
Tiền lương cũng được coi là nguyên nhân chính ảnh hưởng quyết định lập gia đình của 53,7% và quyết định có con của 72% NLĐ. Có 17,6% NLĐ không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% NLĐ chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi.
Chỉ có 37,7% NLĐ có tiền lương đảm bảo nhu cầu học tập của con.
Vì vậy, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng, cần điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng. Công đoàn mong muốn mức tăng lương tối thiểu từ 5-6%.
Chưa nên điều chỉnh ở giai đoạn này
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, doanh nghiệp mong muốn có nhiều việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải gồng mình để duy trì việc làm.
Đồng tình với điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nhưng ông Phòng cho rằng điều chỉnh ngay lúc này “thì không thể”.
"Chúng ta chưa nên quyết định ngày điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Xem xét tăng lương phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây", ông Phòng nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Ủy viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, chưa nên tăng lương tối thiểu ngay bởi số doanh nghiệp rời thị trường rất lớn, nền kinh tế chưa phục hồi trong 6 tháng đầu năm.
"Đa phần doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu nên không nhất thiết năm nào cũng tăng lương. Vấn đề gốc là tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc. Đây là cách gián tiếp tăng thu nhập cho NLĐ. Bên cạnh đó, nếu lương quá cao, doanh nghiệp có thể cắt giảm lao động, tăng gánh nặng chi phí", bà Hương nói.
Nhắc lại bài học quốc tế, bà Hương nêu nhiều nước không tăng lương cơ học cho NLĐ mà hỗ trợ qua "ba con đường" là tăng năng suất lao động, áp dụng thỏa ước lao động tập thể và luật hóa lương tối thiểu.
Ngoài ra có nhiều người làm thêm việc phụ như lái xe công nghệ, bán hàng online nên việc quy định lương tối thiểu cũng không linh hoạt.
Nêu ý kiến về tăng lương tối thiểu, bà Phạm Bảo Ân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi (TP.HCM) cho rằng, tăng lương tối thiểu chủ yếu sẽ tăng thêm chi phí doanh nghiệp về đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, bởi đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Trong đó các doanh nghiệp có vài ngàn lao động sẽ chịu áp lực về tăng chi phí rất lớn. Do đó cần cân nhắc mức tăng phù hợp trong thời điểm này.
Anh Thư