Tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc
Hội cá nước lạnh Lào Cai mới đây đã có công văn đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm từ Trung Quốc để bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo Hội Nghề cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, thời gian gần đây có tình trạng nhập khẩu cá Tầm ồ ạt và nhập lậu cá Tầm qua đường mòn, lối mở từ Trung Quốc vào Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản nước lạnh trong nước nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng.
Để phát triển thủy sản nước lạnh bền vững, đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng trong nước, Hội Nghề cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, kiến nghị: Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan chức năng liên quan tăng cường quản lý đối với cá Tầm nhập khẩu từ Trung Quốc; chỉ đạo Cục Thú y tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm.
Tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc |
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển cá Tầm nhập lậu dưới mọi hình thức qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhập khẩu cá Tầm dùng làm thực phẩm; kiểm tra, ngăn chặn việc nhập khẩu cá Tầm làm thực phẩm không nằm trong danh mục được phép kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng địa phương.
Được biết, Lào Cai là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước lạnh, với sản lượng cá Tầm năm 2020 đạt khoảng 670 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn…
Trước đó, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương cũng đã có văn bản “cầu cứu” gửi Bộ NN&PTNT và các cơ quan chuyên môn liên quan. Nguyên nhân được đưa ra là do thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm nhập khẩu chính ngạch và cả cá tầm buôn bán qua đường tiểu ngạch, không có giấy tờ hợp pháp từ Trung Quốc.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm