Sống chung với F0, làm sao cho an toàn?
Mô hình quản lý, điều trị F0 tại nhà đang được triển khai nhằm giảm tải cho hệ thống y tế trong công tác điều trị
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, khuyến cáo các thành viên trong gia đình có ca bệnh F0 điều trị tại nhà cần lưu ý việc rửa tay thường xuyên bởi đây là cách giảm lây nhiễm SAR-Cov 2 tốt nhất.
Mỗi gia đình là một "phòng y tế"
Chương trình điều trị tại nhà có kiểm soát cho các trường hợp F0 đã được TP HCM triển khai gần 1 tháng qua. Với chương trình này, các trường hợp F0 được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, được cung cấp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe.
Để thực hiện tốt công tác này, TP HCM đã lập hàng trăm tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà và triển khai hàng ngàn túi thuốc an sinh cho F0. Những túi thuốc an sinh vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp các trường hợp F0 sớm khỏi bệnh vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá mô hình chăm sóc, điều trị, quản lý F0 tại nhà bước đầu đã cho hiệu quả tích cực.
"Dựa theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình triệu chứng bệnh học, Bộ Y tế đã thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Mỗi gia đình trở thành một "phòng y tế", ngoài theo dõi, điều trị F0, những người trong gia đình cần phải lưu ý việc cách ly với F0, để bảo đảm không lây nhiễm chéo cho gia đình và cộng đồng" - PGS Khuê nói.
Để việc quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà bảo đảm an toàn, hiệu quả, TP HCM cũng đã tăng cường việc tư vấn cho F0 bằng công nghệ thông tin như Zalo, điện thoại, Zoom, Viber.
Thống kê cho thấy 70%-80% F0 nếu tự chăm sóc trong điều kiện tốt thì có thể khỏi bệnh trong thời gian ngắn vì môi trường quen thuộc và có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế. Nhiều trường hợp chỉ sau khoảng 1 tuần đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Để tránh lây nhiễm chéo...
PGS Lương Ngọc Khuê cho biết theo kinh nghiệm ở nước ngoài, ca nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ và ít triệu chứng có thể được điều trị, theo dõi tại nhà. Thế nhưng ở nước ngoài, mô hình về xã hội học, điều kiện sống... khác với Việt Nam (gia đình chỉ có 1-2 người, ít thế hệ).
Còn ở Việt Nam, nhiều nhà ở khu vực đông dân cư, thậm chí có gia đình đủ cả "tứ đại đồng đường" (người cao tuổi, trẻ em cùng sinh hoạt chung). Vì vậy việc bảo đảm sinh hoạt riêng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm là vấn đề cần phải lưu tâm.
Theo Bộ Y tế, để tránh F0 lây nhiễm cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng, cần lưu ý những nội dung như: sắp xếp phòng ngủ, vệ sinh riêng cho F0; các thành viên trong gia đình luôn giữ khoảng cách với F0; bệnh nhân F0 cần tránh tiếp xúc gần với người khác và vật nuôi.
Bố trí ăn riêng cho F0 và nên dùng đồ sử dụng một lần. Thức ăn thừa không dùng cũng phải bỏ vào thùng rác kín riêng. F0 phải tự rửa chén, đũa sau khi ăn bằng nước nóng và dung dịch rửa chén - dĩa. F0 nên tự giặt quần áo của mình, nếu có điều kiện nên giặt bằng máy sau đó sấy, phơi khô. F0 cần thường xuyên tự vệ sinh khu vực ở của mình. Nếu F0 cần phải được hỗ trợ thì người chăm sóc nên đeo găng tay.
PGS-TS Trần Đắc Phu tư vấn: Gia đình có người F0 phải bảo đảm nhà ở thông thoáng bằng cách luôn mở cửa khi có thể.
Các thành viên là F0 rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch sát khuẩn tay khô và thao tác ít nhất 15 giây. Rửa tay trước và sau khi ăn, uống; sát khuẩn các bề mặt.
Để hạn chế nguy cơ lây bệnh từ thành viên là ca bệnh F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế khuyến cáo các thành viên trong gia đình phải đeo khẩu trang khi ở cùng không gian với bệnh nhân F0.
Người bệnh F0 phải đeo khẩu trang, ngay cả khi đang cách ly, để giảm nguy cơ lây truyền virus cho người khác.