Sở Giao dịch Hàng hóa được cấp phép giao dịch một số mặt hàng kinh doanh có điều kiện
Bộ Công Thương mới đây đã quyết định cấp phép niêm yết bổ sung một số mặt hàng thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện trên Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV).
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam hiện nay là tổ chức giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia, với quy mô hoạt động toàn quốc, đa dạng hóa mặt hàng hóa giao dịch
Tại Quyết định số1369/QĐ-BCT, Bộ Công Thương cho phép Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam niêm yết giao dịch mặt hàng gạo và nhóm hàng năng lượng (dầu WTI, dầu Brent, xăng pha chế, khí tự nhiên, dầu ít lưu huỳnh) với thời gian thực hiện thí điểm là một năm. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam hiện là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia duy nhất tại Việt Nam, được phép liên thông với các Sở Giao dịch hàng hóa quốc tế. Các dịch vụ nền tảng hiện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đang thực hiện là cung cấp dữ liệu thị trường, thanh toán bù trừ, hỗ trợ phần mềm và đào tạo kiến thức nền tảng về thị trường hàng hóa.
Như vậy, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã có 19 mặt hàng được cấp phép giao dịch, chia thành 4 nhóm hàng lớn, bao gồm: nông sản (đậu tương, lúa mỳ, ngô, dầu đậu, khô đậu), kim loại (bạc, bạch kim, đồng, quặng sắt), nguyên liệu công nghiệp (cà phê Arabica, đường, cacao, bông, caosu) và nhóm hàng năng lượng vừa được Bộ Công Thương cấp phép giao dịch.
Với nhu cầu mở rộng giao thương quốc tế ngày một lớn, việc thúc đẩy phát triển mô hình giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch tập trung được xem là bước đi quan trọng để bình ổn giá cả các loại nguyên liệu công nghiệp quan trọng, góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, giúp doanh nghiệp trong nước ổn định chi phí đầu vào sản xuất, cũng như thiết lập một kênh đầu tư mới mẻ cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, ngày 9/4/2018, Nghị định 51/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ – CP (quy định chi tiết Luật thương mại về giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa) đã tạo ra bước tiến lớn cho sự phát triển của mô hình giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam khi cho phép hàng hóa Việt Nam được giao dịch quốc tế.
Không đơn thuần tổ chức giao dịch hàng hóa mang tính cục bộ địa phương, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam hiện nay là tổ chức giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia, với quy mô hoạt động toàn quốc, đa dạng hóa mặt hàng hóa giao dịch từ cà phê, lúa mỳ đến các sản phẩm năng lượng, thậm chí cả các kim loại quý trong tương lai.
Sàn giao dịch Hàng hóa là một mô hình đặc biệt và không còn xa lạ với các nhà đầu tư khi đã xuất hiện từ khá lâu trên thị trường. Tham gia vào các thỏa thuận hợp tác thương mại đa phương, song phương, Việt Nam ngày càng rộng mở cánh cửa giao thương quốc tế, kéo theo nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho mọi hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.
Trên thế giới nói chung, và tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore và các quốc gia láng giềng như Trung Quốc Hàn Quốc,…các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu từ lâu đã không còn tiến hành theo phương thức truyền thống. Thay vào đó, họ tổ chức hình thức giao dịch trên các hệ thống điện tử, cho phép người tham gia lựa chọn nhiều phương thức thanh toán.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm