Sẽ áp dụng biểu giá điện mới từ đầu năm 2021
Nhằm khắc phục tình trạng tiền điện tăng vọt do nắng nóng, Bộ Công Thương dự kiến áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới vào đầu năm 2021.
Bổ sung phương án điện một giá
Ngày 3/8, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đã có nghiên cứu và đưa ra 5 giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lượng tiêu thụ điện tăng vọt.
Trong đó đáng chú ý là giải pháp xây dựng lại biểu giá điện sinh hoạt. Trong tháng 8, Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến các bộ ngành làm cơ sở biểu giá tiền điện và trình Thủ tướng sau tháng 8.
Cụ thể, thay vì chủ trương giảm số bậc thang giá điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc như trước đó từng đề xuất, Bộ Công Thương đã bổ sung thêm phương án điện một giá.
Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án nhằm khắc phục tình trạng lượng tiêu thụ điện tăng vọt. |
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết: "Các phương án đưa ra giúp người dân có thêm lựa chọn dùng điện một giá, không bậc thang hoặc sử dụng theo biểu giá bậc thang luỹ tiến".
Với phương án này, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù áp dụng giá điện một giá có thể tính theo giá điện bình quân, đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi song lại khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm.
Tuy nhiên, trước mắt, Bộ Công Thương có trách nhiệm trình Chính phủ các phương án tính giá điện trong kỳ sửa biểu giá cuối năm nay, việc chốt tính giá điện theo phương án nào sẽ do Thủ tướng quyết định.
Thay công tơ cơ khí sang công tơ điện tử
Tại buổi họp báo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng đã báo cáo về những nhầm lẫn đáng tiếc dẫn đến tiền điện sinh hoạt của người dân tăng vọt khó hiểu như phản ánh thời gian qua: "Việc sai sót trong thời gian qua tại một số đơn vị được báo chí nêu là các trường hợp cá biệt và nguyên nhân do lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện”.
Về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết đang tiến hành thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và địa bàn miền Trung. Trong đó, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành thay thế 100% công tơ điện tử tại các thành phố lớn; và trong 5 năm tới, hoàn thành thay thế 50% công tơ điện tử đối với các vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi.
Dịp này, Bộ Công thương cũng đề xuất một số giải pháp quan trọng khác nhằm khắc phục tình trạng lượng tiêu thụ điện tăng vọt như: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổng công ty điện lực thuộc EVN nâng cao dịch vụ khách hàng; Yêu cầu EVN thực hiện xử lí nghiêm các cán bộ liên quan mắc lỗi kĩ thuật trong quá trình ghi chép hóa đơn tiền điện, cũng như các lỗi nghiệp vụ khác; Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc cung ứng điện cho nhu sản xuất và sinh hoạt; Tuyên truyền cho người dân hiểu các quy định, kiến nghị tới EVN, phục vụ quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường