SCIC nói vì về thông tin lãnh đạo Tổng công ty thép VN đi chơi golf trong giờ làm việc?
Trao đổi với Phóng viên qua điện thoại, ông Phúc nói rằng đang đi công tác tại TP.HCM.
Theo thông tin từ báo chí, mặc dù đang trong giờ làm việc, nhưng lãnh đạo Tổng Công ty thép Việt Nam - CTCP lại đi chơi Golf từ sáng sớm đến hơn 11 giờ trưa ngày 24/5/2022, tại một sân Golf trên địa bàn TP Hà Nội. Trong danh sách các lãnh đạo đi chơi Golf có ông Nguyễn Đình Phúc, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty; Phạm Công Thảo – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng công ty; Ngô Đình Khôi, Tổng Giám đốc Công ty thép Việt Úc và bà Đặng Hoàng Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty IBC, đại diện vốn của Tổng Công ty thép Việt Nam cùng một số lãnh đạo của các công ty thành viên.
Để làm rõ sự việc trên, chiều 25/5, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Phúc, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam. Trao đổi với Phóng viên qua điện thoại, ông Phúc nói rằng đang đi công tác tại TP.HCM, phóng viên cần thông tin gì cứ liên hệ làm việc trực tiếp tại Tổng công ty.
Cũng liên quan đến sự việc này, Phóng viên tiếp tục liên hệ với đại diện Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - đơn vị nắm giữa 90% vốn điều lệ tại Tổng Công ty Thép Việt Nam.
"Các ông đó có làm sai thì phải chịu trách nhiệm theo quy định và pháp luật", vị này nói thêm.
Tổng Công ty thép Việt Nam - CTCP có vốn điều lệ là gần 6.800 tỷ đồng, trong đó vốn do Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước nắm giữ khoảng 90% vốn điều lệ. SCIC là Tổng công ty trực thuộc Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.
Được biết, thời gian gần đây, thị trường thép có dấu hiệu xấu, nhu cầu thép chững lại, giá sản phẩm thép giảm mạnh…
Hàng năm, Công ty thép Thái Nguyên vẫn đang phải gánh khoản nợ lãi lên tới hàng trăm tỷ đồng của giai đoạn 2. Còn dự án Nhà máy thép Lào Cai của Công ty Việt Trung thì phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ nhưng đề án vẫn chưa được hoàn thành. Hiện Công ty Việt Trung gặp rất nhiều khó khăn.
Để chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05/2008/CT-TTg. Trong Chỉ thị nêu rõ:
Thủ trưởng các cơ quan thuộc bộ máy hành chính, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp của Nhà nước có trách nhiệm:
a) Quản lý và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phân công lao động hợp lý và tổ chức tốt quá trình lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Điều tra, khảo sát, xây dựng tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc đã được phê duyệt, áp dụng cơ chế khoán theo công việc hoặc theo thời gian thực hiện công việc;
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân bổ thời gian hợp lý để thực hiện chương trình, kế hoạch được giao;
c) Thực hiện nghiêm chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng hội nghị, hội thảo, cuộc họp và tiết kiệm thời gian bằng cách đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức, điều hành hội nghị, hội thảo, cuộc họp;
d) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO- 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn phòng;
đ) Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc phù hợp với tính chất, đặc thù lao động cho cán bộ, công chức, viên chức; triển khai có hiệu quả chương trình hiện đại hoá nền hành chính, hiện đại hoá công sở;
e) Đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc; có biện pháp khuyến khích, khen thưởng xứng đáng, kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng thời giờ làm việc cao; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc, về kỷ luật lao động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không xét khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thời giờ làm việc.